Máy bay ném bom Tu-160 sẽ thành 'siêu quái vật' khi tàng hình

author 16:48 18/06/2015

(VietQ.vn) - Máy bay ném bom Tu-160 của Nga được mệnh danh là "Thiên Nga Trắng" với tốc độ hoạt động siêu nhanh. Gần đây, Nga tham vọng sẽ "tàng hình hoá" chiến đấu cơ này để biến nó thành 1 "siêu quái vật" ném bom số 1 thế giới.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Máy bay ném bom Tu-160 chiến lược hạng nặng có tốc độ siêu thanh của Nga. Tu-160 đi vào phục vụ từ năm 1987. Nó được phi công Nga đặt biệt danh “Thiên Nga Trắng”. Phi cơ ném bom này  thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12/1981. Không quân Liên Xô đưa nó vào hoạt động từ năm 1987, đây là thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô. Tu-160 có thiết kế kiểu "cánh cụp-cánh xòe", nó là máy bay lớn nhất trong kiểu thiết kế này và cũng là máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới đang hoạt động, ghi nhận trên báo Zing News.

Máy bay ném bom Tu-160 - Thiên Nga trắng, chiến đấu cơ lớn nhất thế giới của Nga

Máy bay ném bom Tu-160 - Thiên Nga trắng, chiến đấu cơ lớn nhất thế giới của Nga

Máy bay có thân hình đồ sộ, với chiều dài 54,1 m, sải cánh khi xòe hết cỡ là 55,7 m, 35,6 m khi gập về sau, cao 13,1 m, trọng lượng rỗng 110 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn. Để đưa cỗ máy khổng lồ này lên trời cần đến 4 động cơ phản lực Samara NK-321 cung cấp lực đẩy thô 137,3 kN/chiếc và lên đến 245 kN/chiếc có đốt sau.

Hệ thống động lực này giúp Tu-160 đạt tốc độ tối đa Mach-2.05 (2.220 km/h) ở độ cao lớn, tốc độ tiết kiệm nhiên liệu khoảng 960 km/h, phạm vi hoạt động 12.300 km. Tu-160 có hai khoang vũ khí bên trong thân có thể mang theo tới 40 tấn vũ khí. Bên trong mỗi khoang có giá phóng quay có thể gắn 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55SM hoặc 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn Kh-15 Raduga.

Theo Military-today, Không quân Nga đang sở hữu 16 chiếc Tu-160, một số đã được hiện đại hóa với hệ thống điện tử kỹ thuật số. Trong tháng 8/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nối lại các cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược đã bị ngưng từ năm 1991 khi Liên Xô tan rã.

Theo tin tức trên báo Đất Việt, đồng thời với quyết định nối lại sản xuất oanh tạc cơ Tu-160, Nga cũng quyết định trang bị cho phiên bản Tu-160 mới tính năng tàng hình. Để có thể tàng hình, các máy bay Tu-160 mới sẽ được trang bị hệ thống tác chiến radio – điện tử hiện đại, có khả năng chống lại các hệ thống radar phòng không của đối phương một cách hiệu quả, nhà sản xuất Công nghệ Radio – Điện tử (KRET) Nga cho biết.

Nga tham vọng 'tàng hình hóa' máy bay ném bom Tu-160 để sánh ngang với Mỹ

Nga tham vọng 'tàng hình hóa' máy bay ném bom Tu-160 để sánh ngang với Mỹ

Được biết, KRET đang phát triển một hệ thống dẫn đường mới cho máy bay, một hệ thống định vị và xác định mục tiêu, cũng như một hệ thống điều khiển vũ khí và các thiết bị điện tử khác. Tổng cộng 800 doanh nghiệp và tổ chức đang tham gia vào kế hoạch hiện đại hoá các máy báy ném bom hạng nặng Tu-160.

KRET cho biết thêm, hiện công ty này cũng đang thiết kế các hệ thống điều khiển động cơ và kiểm soát nhiên liệu tiêu thụ cũng như một văn phòng bảo trì riêng nhằm hỗ trợ phi công trường hợp bất khả kháng. Trước khi công bố kế hoạch này, hôm 29/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã chỉ thị nối lại hoạt động chế tạo máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160.

Hồi đầu tháng 5/2015, Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Sergei Shoigu khi tới thăm Nhà máy Hàng không Kazan: "Ngày hôm nay cần có quyết định về nhiệm vụ không chỉ bảo dưỡng và hiện đại hóa phi đội máy bay tầm xa, mà cả việc nối lại chế tạo máy bay mang tên lửa Tu-160". Tu-160 là "cỗ máy đặc biệt đi trước thời đại nhiều thập kỷ và cho tới nay vẫn chưa khai thác hết các khả năng của nó", Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết thêm.

Quyết định của Nga được tờ Inquisitr (Mỹ) nhận định, theo đó nguyên nhân khiến Nga quyết định hồi sinh máy bay ném bom từ thời Liên Xô xuất phát từ sức mạnh khủng khiếp của Tu-160 - loại máy bay Nga vẫn chưa sử dụng hết tính năng.

Dù kế hoạch "tàng hình hóa" Tu-160 được Nga công khai, tuy nhiên chỉ dựa vào hệ thống KRET để tàng hình là không đủ. Đặc biệt, để hoàn thành bản kế hoạch này không phải là chuyện dễ dàng với Nga trong tình hình hiện nay, nơi hầu hết những chương trình quốc phòng lớn bị đình trệ.

Thuỳ Nguyễn (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang