Mở rộng thị trường hướng đến mục tiêu phát triển cây ăn trái bền vững

author 16:56 08/12/2021

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây ăn trái ở nước ta đã liên tục tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành Nam bộ. Tuy nhiên, việc tiêu cây ăn quả tại đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Cục Trồng trọt, sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn, tập trung ở các loại chuối, xoài, mít,… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn. Trong đó, ĐBSCL chiếm 52%, Duyên hải Nam Trung bộ 26%, Tây Nguyên 6%, Đông Nam bộ 16%. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Một số tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn như: thanh long ở Bình Thuận, Long An; bưởi ở Bến Tre, Vĩnh Long; xoài ở An Giang, Đồng Tháp,…

Dự báo thời gian tới diễn biến của dịch COVID-19 còn phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường xuất khẩu; chi phí đầu vào sản xuất tăng mạnh tác động đến sản xuất cây ăn trái; năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế,…

 Mặt hàng trái cây gặp khó trong tiêu thụ trong thời gian qua do dịch bệnh

Ngoài ra, trồng cây ăn trái theo dạng nhỏ lẻ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng; nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu kiểm dịch an toàn từ các nước nhập khẩu. Nguyên nhân do việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, quản lý dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản và chế biến trái cây còn hạn chế và chưa đồng bộ giữa các nông hộ. Diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), cũng như được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn so với tổng diện tích trồng và sản lượng trái, làm hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, trái cây được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu ở dạng tươi thô, không thể để lâu, số lượng trái cây chế biến còn hạn chế (mới chiếm khoảng trên dưới 10%) nên chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng và dễ đối mặt với cảnh “rộ mùa, rớt giá.

Đối với các tỉnh miền núi phía bắc, có tiềm năng, diện tích cây ăn quả lớn, nhất là cây cam, quýt. Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 8.600 ha cây cam, Hà Giang là “vựa” cam lớn nhất khu vực miền núi phía bắc với hơn 8.500 ha. Mặc dù, đã vào cao điểm thời vụ thu hoạch cam, quýt năm nay tại các tỉnh miền núi phía bắc, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cho các loại cây ăn quả này đang gặp nhiều khó khăn. Do cung vượt cầu, cho nên trong khoảng 10 năm qua, việc tiêu thụ cam, quýt ở các tỉnh miền núi phía bắc luôn khá bấp bênh, chưa vươn được tới các thị trường lớn.

Trước thực trạng trên, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả cam, quýt. Bên cạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức truyền thống thông qua các chợ đầu mối, tư thương, các tập đoàn phân phối, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để giảm bớt những hạn chế về vị trí địa lý, giao thông và các khâu trung gian, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đến tận tay người tiêu dùng.

Năm nay, để tránh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đã có nhiều giải pháp như: Mời gọi sự tham gia của các sàn thương mại điện tử; hình thức bán hàng online được phổ cập; thành lập tổ công tác về tiêu thụ nông sản… giúp cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm cam, quýt không bị đứt gãy.

Vì vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ các loại cây ăn quả rất cần được các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm giải quyết để giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản này.

Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang