Môi trường kinh doanh cần được cải thiện thực chất, hiệu quả hơn nữa

author 09:11 01/04/2022

(VietQ.vn) - Để “giữ lửa” cho đà cải cách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu Covid-19.

Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện tích cực và mạnh mẽ, được giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm chậm đà cải cách ở một mức độ nào đó, nhưng Việt Nam vẫn luôn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nền kinh tế sôi động và luôn có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.

Môi trường kinh doanh cần được cải thiện thực chất, hiệu quả hơn nữa. Ảnh minh họa. 

Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2017-2019, Chính phủ ban hành 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh; đến năm 2019, cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020,... Đây được xem là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua.

Số liệu thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có hơn 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước), tăng ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, với doanh nghiệp lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống đã tăng tới 170,6%. Bên cạnh đó, trong hai tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 2,68 tỷ USD (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước).

Có thể nói, những tín hiệu tích cực nêu trên phản ánh sự chủ động và năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự điều hành linh hoạt và quyết đoán của Chính phủ trong hoạt động kinh tế những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi tốc độ và mức độ cải thiện đang chững lại do những tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, điều này thể hiện qua mức độ lạc quan của thị trường giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vì những bất ổn chính trị trên thế giới, gia tăng các khoản vay,...

 Bà Nguyễn Minh Thảo.

Do vậy, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất hơn nữa. Các bộ, ngành và địa phương phải coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế hiện nay.

Để “giữ lửa” cho đà cải cách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu Covid-19.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng sửa đổi ngay điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang