Môi trường kinh doanh Việt Nam có thể ươm mầm những doanh nghiệp lớn

author 06:46 14/09/2018

(VietQ.vn) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề "Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra chiều 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn luôn được duy trì trong top những quốc gia có tốc độ cao trên thế giới.

Năm 2017 Việt Nam đạt tăng trưởng 6,81%, riêng sáu tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 7,08%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua ở Việt Nam kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của WEF đối với Việt Nam ở vị trí 55/137 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh (DB/WB) thứ 68/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Tổ chức sở hữu trí tuệ LHQ (WIPO) đứng thứ 45/127 nước.

“Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP.

Hiện nay có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia, đối tác. Trong đó có sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu quốc tế ở Việt Nam như Samsung, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Intel, Nike,... đó là những chỉ dấu tích cực về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các doanh nghiệp tham dự VBS 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Nhiều tập đoàn trong số đó là thành viên của WEF, như Viettel, FPT, VinGroup, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Sovico, Thaco, Đất Việt...

Đặc biệt, môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị xã hội một số nước thường rơi vào bất ổn. Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát,…

Lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN, được đào tạo cơ bản, cần cù, kỹ năng tốt, có năng lực tiếp thu và nắm bắt các tiến bộ, công nghệ nhanh chóng. Đến nay Việt Nam vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ trong khi một số nước bắt đầu đánh mất lợi thế này của mình.

Về việc chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên của WTO, tham gia ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP đang được phê chuẩn, tiếp theo sẽ là Hiệp định FTA với EU và RCEP.

Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất. Đặc biệt Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Trên nền tảng nền kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Chúng tôi có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế.

Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm,… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Với mỏ vàng nông nghiệp tiềm năng còn chưa được khai thác hết, đây sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trong đợi.

“Chúng tôi hiểu rằng, khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu; do vậy với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam không "ngủ quên" trên chiến thắng

Theo ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ năm 2010 đến nay, WEF đã chứng kiến sự tăng trưởng vị thế tuyệt vời của Việt Nam với GDP tăng gần gấp đôi trong 8 năm, xuất khẩu tăng gần gấp 3 lần, giá trị thị trường chứng khoán tăng gần gấp 2 lần, thương mại phát triển nhanh, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Quan trọng hơn đó là tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm nhanh, năm 1990 tỷ lệ đói nghèo là 50% thì nay chỉ còn 3%.

Ngoài ra, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt khoảng 7%. Những con số này cho thấy sự thành công của Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc.

Theo đó, bài học về giảm nghèo của Việt Nam cũng được các chuyên gia tại phiên bế mạc WEF ASEAN 2018 xem là bài học điển hình dành cho các nền kinh tế đang phát triển khác trên thế giới. Có được kết quả này, theo nhận xét của Chủ tịch WEF, Việt Nam đã xây dựng được những chính sách phá triển với các quy định phù hợp.

Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam không hề “ngủ quên” trong chiến thắng và Việt Nam không hề có sự tự mãn, hơn thế nữa Việt Nam đang tiếp tục cải cách và thay đổi để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Bảo Lâm

 

Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ trong cách mạng công nghiệp 4.0(VietQ.vn) - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang