‘Mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên’: Sốc nhưng thật!

authorDương Phương Ngọc 11:44 09/08/2017

(VietQ.vn) - Trước việc ĐH Thái nguyên, ĐH Huế chấp nhận lấy điểm sàn, TS Trần Nam Dũng nói: “Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán "mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên". Tuy câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế là nên như vậy”.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Năm nay, điểm thi THPT quốc gia cao dẫn tới điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục. Bức tranh tuyển sinh 2017 bộc lộ rõ 2 cực tương phản: Một cực là điểm chuẩn cao ngất ngưỡng cho các trường công an, quân đội, y dược và một cực là điểm chuẩn đặt ở mức không thể thấp hơn cho một số trường đào tạo sư phạm. Nhiều trường sư phạm chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5). Không ít trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10.

Điểm chuẩn đặt ở mức sàn cho ngành sư phạm thể hiện hai điều. Thứ nhất, thí sinh không thiết tha với ngành sư phạm. Thứ hai, các trường sư phạm tuyển sinh chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng.

Triết lý kinh doanh để thành công, trở thành giàu có của các ‘sếp’ FPT(VietQ.vn) - Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT học bí quyết thành công của Alibaba, chia nhân viên ra làm 3 nhóm: "Chó hoang", "Chó săn" và "Thỏ trắng" giống tỷ phú giàu nhất châu Á Jack Ma.

Việc một số trường mang tính chất vùng như ĐH Thái nguyên, ĐH Huế chấp nhận lấy điểm sàn, một số ngành như Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học có điểm chuẩn là 12,75 (quy chuẩn), theo những người làm trong ngành giáo dục thì đây là một điều không bình thường.

Không chỉ thi cử, tuyển sinh không bình thường, không chỉ bức tranh giáo dục không bình thường, mà trong một chừng mực nhất định, xã hội đang không bình thường.

Điều này khiến không ít người lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như nền giáo dục trong tương lai. Thậm chí, một số người còn đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Giáo dục không mạnh dạn dừng tuyển sinh 1 thời gian cho các trường Sư phạm để tránh tình trạng thí sinh dưới 15 điểm vẫn vào được các trường Sư phạm?

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cũng phải thốt lên: “Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 - hoặc điểm quy chuẩn 12,75 - sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

TS. Trần Nam Dũng – Chuyên ngành Toán – Tin, hiện đang công tác tại Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, người được mệnh danh là cao thủ trong các cao thủ luyện thi học sinh giỏi ở các kỳ thi quốc gia và quốc tế hay "ông bầu" của các thần đồng toán học Việt Nam cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: “Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán của TS Lê Trường Tùng "mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên". Tuy câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế là nên như vậy. Còn nếu các bạn vẫn theo, thì phải quyết tâm chứng minh 12,75 điểm đó chỉ là sự cố”.

TS. Trần Nam Dũng đồng cảm với câu nói: "Mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên" của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT 

Theo TS Dũng: Những người xứng đáng làm thầy phải là những người vừa có tâm, vừa có tầm. TS. Trần Nam Dũng tâm sự: “Thầy tôi, nhà giáo ưu tú Lê Hoành Phò, có lần kể cho tôi nghe về trường hợp của em Tô Niên Đông Vũ (từng đạt huy chương bạc tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế tổ chức tại HongKong năm 1994 và có bằng tiến sĩ ngành khoa học điện toán – pv). Hồi đó Vũ học ở trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, rất nổi bật và có triển vọng. Nhưng ở trường thì đã suốt nhiều năm không có giải toán quốc tế. Thay vì giữ Vũ ở lại, thầy tôi đã khuyên Vũ vào Sài Gòn, tìm thầy Nguyễn Công Quỳ để “thọ giáo”. Dạy Vũ một thời gian, thầy Quỳ nói: "Tôi hết chữ để dạy em rồi, em nên ra Hà Nội để học tiếp".

Vậy là Vũ đã vượt qua mọi khó khăn, ra Hà Nội vào học A0. Đầu tiên Vũ chỉ ở lớp B nhưng sau đó đã vươn lên tốp đầu và năm 1994, Vũ được vào đội tuyển dự thi IMO 1994. Không thể nói được là nếu ở lại Đà Nẵng, Vũ có được vào đội tuyển hay không, nhưng lời khuyên Vũ đi học, sau đó lại tạo điều kiện ra Hà Nội học của thầy tôi và trường chuyên Lê Quý Đôn là một quyết định dũng cảm, nhân văn, vì học trò chứ không phải vì thành tích của trường, của tỉnh”.

Công tác ở khoa Toán-Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, thầy Dũng cho biết: “Khi có sinh viên học viên cao học, muốn tôi hướng dẫn luận văn, tôi thường chỉ nhận các bạn có sức học vừa, mục tiêu khiêm tốn, các bạn khá hơn, có thể đi xa, tôi giới thiệu cho các thầy giỏi hơn, có đang sung sức để không hạn chế con đường của họ”.

Từ đó, thầy Dũng kết luận: “Trong cuộc sống, có rất nhiều người thầy giáo thay vì "giữ học trò", "nuôi học trò" đã dũng cảm nói rằng "tôi hết chữ rồi".

Suy cho cùng, chỉ khi có những thế hệ học trò vươn cao hơn, bay xa hơn những người thầy thì xã hội mới phát triển được”.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang