Một ngày với những người nuôi tôm xuất khẩu

author 06:46 31/10/2022

(VietQ.vn) - Chúng tôi đến thăm khu nuôi tôm xuất khẩu Farm Liên Giang của anh Lương Văn Hà ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào một ngày cuối tháng 10/2022.

Mô hình nuôi tôm CPF Combine hiệu cao

Lần đầu tiên đến thăm một khu nuôi tôm, tôi không khỏi ngạc nhiên trước đầm nước được ngăn thành những ao to vuông vức, có đến 15 cái ao to. Chủ khu nuôi tôm - anh Lương Văn Hà cho biết, Farm Liên Giang bắt đầu nuôi tôm từ tháng 6/2019. Trước khi bắt tay triển khai nuôi tôm, anh Hà đã nghiên cứu tìm hiểu những mô hình nuôi tôm đang thịnh hành và nhận thấy, mô hình nuôi tôm CPF Combine an toàn, hiệu quả cao, đặc biệt là có tính bền vững. Thế là anh Hà cùng các cộng sự bắt tay vào triển khai nuôi tôm theo mô hình CPF Combine.

Anh Lương Văn Hà (bên phải) kiểm tra tôm nuôi.

Khu nuôi tôm Farm Liên Giang có tổng diện tích 8 hecta, trong đó, diện tích ao nuôi là 1,3 hecta với 15 ao. Anh chia sẻ, khi đầu tư xây dựng khu nuôi tôm này, anh đã được C.P Việt Nam hỗ trợ thiết kế mô hình nuôi tôm khoa học, xây dựng quy trình xử lý nước bài bản, đảm bảo nước sạch cho nuôi tôm, khống chế được dịch bệnh.

 
Nuôi tôm theo mô hình CPF Combine giúp người nuôi kiểm soát được chất lượng nước, xử lý kỹ thuật nuôi, khống chế được dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm.
 

Chỉ cơ ngơi khu nuôi tôm được xây dựng bài bản, anh Hà tiết lộ, anh đã đầu tư 13 tỷ đồng cho giai đoạn đầu xây dựng khu này. Mỗi năm, anh nuôi 4 vụ tôm, mỗi vụ thu hoạch được 60 – 70 tấn tôm, chỉ sau 2 vụ thu hoạch tôm đầu tiên, anh đã thu hồi được vốn đầu tư. Từ khi triển khai nuôi tôm, đến nay, anh đã nuôi 15 vụ tôm, trong đó, thắng được 14 vụ, chỉ thua có 1 vụ do lúc đó là dịp sau Tết, thiếu nhân lực chăm sóc tôm.

Không chỉ được C.P Việt Nam hỗ trợ thiết kế xây dựng mô hình trong giai đoạn đầu, khu nuôi tôm Farm Liên Giang còn được các cán bộ kỹ thuật của C.P Việt Nam hỗ trợ kiểm soát nguồn nước, ao nuôi hàng ngày để diệt khuẩn, đồng thời kiểm tra khoáng chất để bổ sung vào thức ăn cho tôm. Đặc biệt, nguồn tôm giống chất lượng cao của C.P Việt Nam đã giúp người nuôi tôm không chỉ đạt năng suất cao, mà còn nuôi tôm đạt được kích cỡ lớn, đây chính là yếu tố quyết định đến tính cạnh tranh của con tôm, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi tôm.

Mái che giúp ổn định nhiệt độ nước cho tôm phát triển.

Đồng hành cùng người nuôi tôm

Anh Nguyễn Hồng Thuấn- Trưởng phòng kinh doanh khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Nai, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cho biết, mô hình CPF Combine là mô hình nuôi tôm công nghệ cao, được chia làm 3 khu chính, gồm: khu vực xử lý nước đầu vào, khu vực ương nuôi tôm và khu vực xử lý chất thải. Tại khu vực xử lý nước đầu vào, nước từ ao chứa sẽ chạy qua hệ thống xử lý nhanh, sau đó nước được bơm qua các ao sẵn sàng và cấp cho hệ thống ao nuôi. Toàn bộ khu này được lót bạt đáy và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Khu vực ương nuôi tôm, các ao được lót bạt, có hố xi phong, hệ thống cung cấp oxy, mái che,… nhằm đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc quản lý môi trường trong quá trình nuôi được thực hiện theo Chương trình C.P - Probiotic farming, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh.

Khu vực xử lý chất thải có hệ thống Biogas được ứng dụng để xử lý chất thải từ đáy ao; nước thải được xử lý và tái sử dụng; không ảnh hưởng đến môi trường; nguồn khí từ hầm Biogas được sử dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Anh Thuấn cho biết, mô hình nuôi tôm CPF Combine giúp người nuôi xoay vụ nhanh, các ao nuôi có thời gian nghỉ, công tác vệ sinh hệ thống ao; quản lý, chăm sóc tôm nuôi được thuận lợi, hạn chế dịch bệnh, tôm nuôi phát triển tốt, tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn, năng suất cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Do mô hình nuôi tôm CPF Combine có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên rất nhiều trang trại nuôi tôm lớn trên cả nước đã áp dụng mô hình này. Không chỉ áp dụng với những khu vực nuôi tôm lớn, công nghệ nuôi tôm của C.P Việt Nam còn giúp những hộ nông dân có diện tích mặt nước nhỏ, khoảng 800-1.000m2 vẫn nuôi được tôm.

Thậm chí, chỉ với diện tích rất nhỏ khoảng 200m2 người dân có thể nuôi tôm theo mô hình của C.P Việt Nam với sản lượng trên 500kg/vụ. Hiện C.P Việt Nam đang triển khai mô hình CPF Combine House, tức là nuôi tôm tại nhà- là mô hình mới nhất và ít rủi ro nhất- anh Thuấn cho hay.

Cán bộ kỹ thuật của C.P Việt Nam giúp Farm Liên Giang kiểm soát khoáng chất trong nước để bổ sung tốt nhất cho con tôm.

Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, C.P Việt Nam luôn đồng hành với người nuôi tôm để cung cấp con giống, các chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, xử lý nguồn nước, tư vấn các vấn đề kỹ thuật để khống chế dịch bệnh, chăm sóc tôm cho năng suất cao, kích cỡ lớn…

Với mô hình nuôi tôm CPF Combine, việc xuất khẩu tôm rất thuận lợi do đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà nhập khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm, đặc biệt là tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân- ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Mùa này, miền Nam hay có những cơn mưa bất chợt. Chúng tôi đang tham quan các ao nuôi tôm thì trời đổ cơn mưa lớn. Mưa ở miền Nam không hề có dấu hiệu báo trước như mưa ở miền Bắc, mà trời cứ đột nhiên đổ nước xuống. Những hạt nước mưa thi nhau rơi xuống đầm nuôi tôm, lấp lánh như những ánh bạc. Rời khu nuôi tôm Farm Liên Giang, hình ảnh những con tôm lách tách nhảy lên mặt nước cùng nét mặt hân hoan của những người nuôi tôm cứ in đậm trong tôi. Những con tôm mang ngoại tệ về cho đất nước!

Bà Rịa – Vũng Tàu, tháng 10/2022

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang