Một người nhiễm virus corona có thể lây bệnh sang bao nhiêu người?

author 16:01 13/04/2020

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho biết, virus corona đang lây lan với tốc độ nhanh gấp đôi so với trước đây. Đồng thời, nhấn mạnh cần có biện pháp quyết liệt để dập tắt đại dịch này.

Theo phân tích từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ, mỗi người nhiễm virus corona chủng mới (Sars-CoV-2) khi đại dịch mới khởi phát ở Vũ Hán có thể truyền virus sang trung bình 5,7 người khác. Con số này cao hơn gấp đôi so với con số ước tính 2,2 - 2,7 của Liên Hợp Quốc và giới chức y tế hồi tháng 2/2020. Nhóm này nhận định, nếu tình hình các nơi khác trên thế giới cũng như vậy, nhà chức trách sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác kiểm soát dịch.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, với tốc độ lây lan theo tính toán, 82% dân số cần phải được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc đã bị bệnh và hồi phục.

Nghiên cứu mới cũng ước tính thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc với virus tới lúc phát triển triệu chứng kéo dài trung bình 4,2 ngày. Do mọi người có thể lây virus trước khi biết bản thân nhiễm bệnh, việc nhận dạng và cách ly bệnh nhân cùng những người họ tiếp xúc chỉ hiệu quả nếu số ca như vậy chiếm số lượng nhỏ.

"Tuy nhiên, khi 20% số ca lây nhiễm đến từ những người nhiễm bệnh chưa được nhận dạng, chúng ta cần nỗ lực giãn cách xã hội nhiều hơn để kiểm soát virus. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của công tác theo dõi sớm và hiệu quả, điều tra tiếp xúc và cách ly", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. 

Trước đó, nhóm nghiên cứu đến từ Trung Quốc và Mỹ phát hiện virus corona có thể tấn công hệ miễn dịch trong cơ thể người và gây tổn thương tương tự ở bệnh nhân HIV.

Cụ thể, nhà nghiên cứu Lu Lu ở Đại học Phục Đán, Thượng Hải và nhà nghiên cứu Jang Shibo ở Trung tâm máu New York đưa virus corona sống vào dòng tế bào bạch huyết bào T nuôi trong phòng thí nghiệm. Bạch huyết bào T hay còn gọi là tế bào T đóng vai trò quan trọng trong nhận dạng và loại bỏ mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Chúng bắt tế bào nhiễm virus, khoan một lỗ ở màng tế bào và bơm hóa chất độc qua đó. Những hóa chất này sau đó tiêu diệt cả virus và tế bào chủ, xé chúng thành nhiều mảnh.

Các nhà nghiên cứu rất bất ngờ khi quan sát tế bào T trở thành con mồi của Sars-CoV-2 trong thí nghiệm. Họ nhận thấy một cấu trúc đặc biệt ở protein hình gai của virus thúc đẩy sự hợp nhất vỏ virus và màng tế bào khi tiếp xúc với nhau. Gene của virus sau đó tiến vào tế bào T và "bắt cóc" tế bào này, vô hiệu hóa chức năng bảo vệ cơ thể của nó.

Bảo Lâm (Theo BloomBerg)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang