Một số lưu ý giúp doanh nghiệp ngăn chặn lỗ hổng bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh mạng

author 06:22 25/12/2024

(VietQ.vn) - Trong thời đại phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin như hiện nay, mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường trực tuyến. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý những giải pháp để tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Số lượng người dùng internet tại Việt Nam đạt 77,93 triệu người, chiếm 79,1% tổng dân số vào năm 2023 (theo số liệu thống kê của Social & Meltwater). Điều này tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc tấn công trực tuyến, đặc biệt khi dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ và thu thập trên không gian mạng.

Các báo cáo an ninh mạng gần đây cho thấy số lượng lỗ hổng bảo mật gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong các ngành có lượng dữ liệu lớn như y tế, tài chính, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp mà các cá nhân cũng trở thành mục tiêu tấn công của hacker.

Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hơn 77 triệu cuộc gọi rác đã được ghi nhận trong năm 2023, tăng 54,6% so với năm trước đó. Không chỉ dừng lại ở cuộc gọi, số lượng tin nhắn rác cũng gia tăng nhanh chóng, cùng với sự gia tăng tỷ lệ lừa đảo trực tuyến lên 64,78% so với năm 2022. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo mật để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp.

Lỗ hổng bảo mật (security vulnerability) là một khái niệm quan trọng trong an ninh mạng và có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Theo RFC 4949 do IETF (Internet Engineering Task Force) đưa ra, lỗ hổng bảo mật được định nghĩa là một sai sót hoặc điểm yếu trong thiết kế, triển khai, hoặc quản lý hệ thống. Điểm yếu này có thể bị khai thác để vi phạm chính sách bảo mật của hệ thống.

Doanh nghiệp cần lưu ý những giải pháp để tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn. Ảnh minh họa

Định nghĩa của NIST (Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia) mô tả lỗ hổng bảo mật là một điểm yếu trong hệ thống thông tin, quy trình bảo mật hệ thống, kiểm soát nội bộ hoặc triển khai, có thể bị khai thác hoặc kích hoạt bởi một mối đe dọa. Định nghĩa này khá tương đồng với định nghĩa từ ISO 27000, trong đó lỗ hổng bảo mật được xem là điểm yếu của tài sản hoặc biện pháp kiểm soát có thể bị một hoặc nhiều mối đe dọa khai thác.

Nhìn chung, lỗ hổng bảo mật là những điểm yếu hoặc sai sót trong hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm hoặc các quy trình bảo mật. Nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời, những lỗ hổng này có thể bị tin tặc lợi dụng để làm rò rỉ thông tin nội bộ, tạo ra các cuộc tấn công mạng quy mô lớn,...

Nguyên nhân gây ra lỗ hổng bảo mật

Lỗ hổng bảo mật có thể phát sinh từ phần cứng, phần mềm hoặc từ con người. Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến nhất:

Lỗi lập trình: Trong quá trình phát triển phần mềm, nếu lập trình viên không kiểm thử kỹ càng, một vài sai sót trong mã nguồn có thể bị bỏ qua và vô tình tạo ra "cửa sau" cho tin tặc tấn công.

Sử dụng các phần mềm hoặc phiên bản cũ: Khi doanh nghiệp không cập nhật hệ thống hoặc phần mềm lên phiên bản mới nhất, các lỗ hổng đã được phát hiện nhưng chưa được vá lỗi sẽ tạo điều kiện cho hacker xâm nhập.

Mức độ kết nối: Khả năng xuất hiện lỗ hổng tỉ lệ thuận với số lượng thiết bị kết nối. Với sự phát triển của công nghệ IoT và việc kết nốiliên tục giữa các thiết bị, các lỗ hổng tiềm ẩn trong mạng lưới ngày càng gia tăng, từ đó mở rộng phạm vi tấn công cho các đối tượng xấu.

Việc sử dụng internet: Khi kết nối internet, phần mềm gián điệp (spyware) và phần mềm quảng cáo (adware) có thể tự động được cài đặt trên máy tính mà người dùng không hề hay biết. Những phần mềm này có thể dễ dàng theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng, thu thập thông tin cá nhân,...

Lỗi phần mềm và hệ điều hành: Những lỗ hổng bảo mật trong phần mềm, đặc biệt là các hệ điều hành phổ biến, là mục tiêu hàng đầu của tin tặc. Khi các phần mềm này gặp trục trặc, hacker có thể tận dụng để xâm nhập vào hệ thống.

Yếu tố con người: Nhân viên của doanh nghiệp thường là mắt xích yếu nhất trong hệ thống bảo mật. Sự bất cẩn, thiếu kiến thức hoặc vô tình phạm sai lầm có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật lớn, dẫn đến các cuộc tấn công phi kỹ thuật (social engineering).

Một số lỗ hổng bảo mật phổ biến

Trong hệ thống an ninh mạng, có một số lỗ hổng bảo mật phổ biến mà doanh nghiệp dễ gặp phải như:

Broken authentication: Là lỗ hổng liên quan đến việc xác thực người dùng (session management) không đúng cách, dẫn đến việc tin tặc có thể đánh cắp thông tin và đăng nhập vào hệ thống bằng thông tin tài khoản đã bị xâm phạm.

Broken Access Control: Xảy ra khi quyền truy cập vào dữ liệu hoặc chức năng không được kiểm soát chặt chẽ, cho phép kẻ tấn công truy cập những thông tin mà họ không được phép.

Cross-Site Scripting (XSS): Các đối tượng xấu chèn mã độc vào trang web để đánh cắp dữ liệu của người dùng hoặc tấn công các hệ thống khác.

Cross-Site Request Forgery (CSRF): Tin tặc lừa người dùng thực hiện các hành động với mục đích khiến họ vô tình làm lộ dữ liệu cá nhân trên một trang web mà họ đã đăng nhập.

SQL Injection: Là một kỹ thuật tấn công phổ biến, trong đó kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng trong các lệnh SQL để truy cập và thao túng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của hệ thống.

Security misconfiguration: Là lỗ hổng phát sinh khi các thiết lập bảo mật không được cấu hình đúng cách hoặc không được cập nhật thường xuyên, tạo cơ hội cho tin tặc khai thác và tấn công vào hệ thống.

Doanh nghiệp cần làm gì để ngăn chặn lỗ hổng bảo mật

Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến lỗ hổng bảo mật, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:

Cập nhật phần mềm và hệ điều hành thường xuyên: Đảm bảo tất cả các phần mềm và hệ điều hành được cập nhật kịp thời để vá các lỗ hổng bảo mật mới phát hiện.

Sử dụng xác thực đa yếu tố (MFA): Triển khai MFA để tăng cường bảo mật cho các tài khoản người dùng, giảm thiểu nguy cơ bị xâm nhập do thông tin xác thực bị lộ.

Kiểm tra quyền truy cập thường xuyên: Đảm bảo rằng chỉ những nhân viên có thẩm quyền mới có quyền truy cập vào hệ thống và dữ liệu quan trọng. Hãy thiết lập các cấp độ quyền truy cập dựa trên vai trò và công việc cụ thể của từng nhân viên.

Thiết lập chính sách quản lý mật khẩu mạnh: Yêu cầu nhân viên sử dụng mật khẩu phức tạp và thay đổi mật khẩu định kỳ.

Sử dụng tường lửa và phần mềm bảo mật: Triển khai tường lửa, phần mềm diệt virus và hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) để bảo vệ hệ thống trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Đào tạo, nâng cao nhận thức của nhân viên về an ninh mạng: Tổ chức các khóa đào tạo định kỳ cho nhân viên về các lỗ hổng bảo mật, cách nhận biết các cuộc tấn công mạng và các biện pháp cần thực hiện để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thực hiện kiểm tra bảo mật định kỳ: Thường xuyên tiến hành kiểm tra và đánh giá mức độ an toàn của hệ thống nhằm phát hiện và khắc phục các lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn.

Sao lưu dữ liệu thường xuyên: Thiết lập các chính sách sao lưu dữ liệu tự động và lưu trữ ở các vị trí an toàn để có thể khôi phục dữ liệu trong trường hợp bị tấn công.

Giám sát và phát hiện sớm các mối đe dọa: Triển khai hệ thống giám sát liên tục để phát hiện các hoạt động bất thường hoặc dấu hiệu tấn công trong thời gian thực, giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh khi có sự cố.

Khánh Mai 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang