“Một triệu đồng một số điện, bác sĩ mua không?”
Dùng 7 chiếc mũ cho 1 lần siêu âm
Sau khi được Bộ Y tế được phê duyệt khung viện phí mới, nhiều bệnh viện các địa phương đã nhanh chóng nâng giá các loại dịch vụ.
Mặc dù áp dụng viện phí tăng nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm chiếu mà chưa có cải thiện gì (ảnh chụp tại Bệnh viện K, một trong năm bệnh viện trung ương đầu tiên áp dụng viện phí mới) - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Văn Phúc (phòng chế độ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN) cho hay, trong cơ cấu viện phí mới của Bệnh viện Trung ương Huế, có khoản chi 1 lần siêu âm mà phải dùng đến…7 chiếc mũ, 9 đôi găng tay, chưa kể cùng là khẩu trang, dịch vụ siêu âm nội soi dùng loại khẩu trang 1.400 đồng/cái, còn dịch vụ siêu âm tim, mạch máu màu lại dùng khẩu trang loại 1.199 đồng/cái. Phí giấy in mỗi dịch vụ tính mỗi khác trong cùng một bệnh viện, chẳng hạn như siêu âm tim, mạch máu dùng giấy in loại 3.000 đồng/tờ, siêu âm nội soi chỉ cần dùng hai tờ giấy in giá 200 đồng/tờ”.
“Không hiểu vì sao mà cần nhiều mũ giấy cho một lần siêu âm đến thế?”- chuyên gia bảo hiểm y tế này băn khoăn.
Còn trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ này sẽ kiểm tra viện phí mới, nếu khoản nào chưa hợp lý sẽ yêu cầu hạ.
Nhưng nhiều năm nay, theo điều tra của chúng tôi, có những khoản viện phí khiến nhiều người dân kêu ca, báo chí đã đăng tải nhưng chờ mãi chưa thấy giảm.
Ví dụ như ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa điều trị tự nguyện, khu A, tiền giường nằm một ngày là 1 triệu đồng. Tính ra, với căn phòng khoảng 30 mét vuông, có 3 giường, mỗi ngày, với mỗi phòng, bệnh viện thu về 2 – 3 triệu. Với khoảng 20 phòng, doanh thu từ giường nằm của khoa này một ngày là 40 - 60 triệu. Số tiền đó không thua kém bất kỳ khách sạn hạng sang nào!
Vì độc quyền
Trả lời về viện phí khu tự nguyện ở “trên Trời”, bà Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương lý giải, vì ở đó có những bác sĩ tốt nhất, được đầu tư tốt nhất, các cháu không phải nằm chung giường, số bệnh nhân trên 1 bác sĩ điều trị ít hơn các khoa khác…
Cả khu khám bệnh đắt tiền, chỉ có một cầu trượt và máy chơi games này. Ảnh: HT |
Nhưng những khách sạn, resort sang trọng nhất Việt Nam cũng được đầu tư lớn, cũng có máy điều hòa, phòng còn rộng và tiện nghi hơn bệnh viện (vốn do tư nhân tự bỏ ra) mà lại có giá phòng chưa đến 1 triệu/1 ngày, vậy sao bệnh viện dành cho các cháu nhỏ ấy lại thu cao hơn?
“Vì họ độc quyền. Ai có con đau ốm chả muốn đến đây. Các bệnh viện khác khó mà có thiết bị, đội ngũ thầy thuốc giỏi như họ” – chị Nguyễn Thị T, mẹ của cháu Nguyễn Nhật M, điều trị 5 ngày ở viện này vì viêm phổi, mất 15 triệu, cho chúng tôi hay.
“Nếu một ngày trời nóng, nhà bác sĩ bị người ta cắt điện. Người ta bảo, có 2 mức giá: 5 nghìn đồng/1 số và 1 triệu đồng/1 số. Nếu mua 5 nghìn đồng thì điện chập chờn, nếu mua 1 triệu thì điện ổn định. Vậy bác sĩ chọn mua loại nào?” – anh Trần Văn Hiệu, bố của một bệnh nhân đặt câu hỏi.
Xóa độc quyền, khó lắm
Để xóa độc quyền, ai cũng hiểu, phải lập ra nhiều bệnh viện công hoặc tư để cạnh tranh, nhờ đó mới nâng cao dịch vụ và giảm viện phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có nhiều lĩnh vực của y học, rất khó để khối tư nhân đuổi kịp các bệnh viện công lập lâu đời – theo Thạc sĩ N.V.H, Giám đốc một Cty dược phẩm.
Bệnh viện Đa khoa Vinmec của Vincom vừa qua đã có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút các bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện lớn. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ giỏi ở đây dù được mời nhưng đều không sang Vinmec.
“Duy nhất chỉ có một chị y tá điều dưỡng chuyển sang” – PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho hay.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, các bệnh viện công có ưu thế đầu tư của Nhà nước, có đội ngũ y bác sĩ lâu năm, được thừa hưởng các chương trình hợp tác quốc tế về y học, tổ chức nghiên cứu khoa học thường xuyên…nên khối tư nhân phải cần có một khoảng thời gian nữa mới đuổi kịp.
Mặt khác, để thành lập các bệnh viện tư, doanh nghiệp phải có đất, có nhân lực tốt. Song, ai cũng biết việc vay vốn ngân hàng hiện nay đặt ra rất nhiều khó khăn với doanh nghiệp.
Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến cuối tháng 7/2012, cả nước có trên 663,8 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Đồng thời có trên 30,3 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Chờ vào lương tâm thầy thuốc
Trong khi Bộ Y tế “còn nhiều việc bận”, khó kiểm tra thường xuyên viện phí các bệnh viện, thì các bệnh nhân chỉ có thể trông chờ vào lương tâm của các thầy thuốc khi tính giá viện phí cho mình.
“Tăng giá viện phí gấp đôi đã là nhiều rồi. Nếu tăng cả chục lần thì người dân có nước ôm bệnh mà chết, tiền đâu chữa trị” - Ông Phan Thanh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh nói trên báo Tuổi Trẻ.
Vì có những suy nghĩ nhân văn như vậy nên dự kiến, đầu tháng 8 Trà Vinh áp dụng viện phí mới, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn còn lưỡng lự chưa ra quyết định chính thức, dù mức viện phí mới được thông qua ở tỉnh thấp hơn hẳn so với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Là một đại biểu HĐND, vị thầy thuốc Phan Thanh Dũng cho biết, nhờ được tiếp xúc người dân thường xuyên nên ông biết những bức xúc của họ về hệ thống y tế tỉnh mình, dù các thầy thuốc có nhiều cố gắng.
Phải chăng, dù phần lớn không là đại biểu y tế, Nhà nước cũng nên đưa các thầy thuốc ở các bệnh viện công có viện phí cao (như viện Nhi Trung ương) đến nhà những người nông dân, công nhân, công chức…để nghe người ta nói về viện phí, để biết họ đã phải bán bao nhiêu thóc, bao nhiêu đồ đạc, bao nhiêu đất đai, vay bao nhiêu tiền…khi đưa con mình vào bệnh viện?
Phương Đông