Mua phải 'hàng lởm', khiếu nại ở đâu?

author 16:52 23/11/2015

(VietQ.vn) - Mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có thể khiếu nại ở đâu?

Đó là băn khoăn của nhiều độc giả khi mà hiện nay, tình trạng hàng hóa sản phẩm kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường.  

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định, thông qua thực tiễn giải quyết khiếu nại của Hội trong thời gian qua cho thấy, còn rất nhiều người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình. Cụ thể, việc kiểm tra thông tin sản phẩm sắp mua có đúng với quảng cáo hay không chưa được người tiêu dùng chú trọng. Trong khi đó, khi phát hiện các sản phẩm, dịch vụ không an toàn, người tiêu dùng vẫn chưa mạnh dạn thông tin cho cơ quan chức năng và báo chí.

Ông Hùng cho biết, hiện có nhiều phương thức để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi cho mình khi quyền lợi bị xâm hại.

ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh Viết Cường

Đầu tiên, người tiêu dùng khiếu nại tới chính nơi cung ứng sản phẩm. Luật đã có quy định, trong thời gian nhất định nào đó thì nơi cung ứng phải trả lời, giải thích rõ ràng cho người mua hàng. Nếu doanh nghiệp thiếu thiện chí thì người tiêu dùng có thể gõ cửa đến các tổ chức hòa giải.

“Hiện nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đang làm vài trò đó. Chúng tôi có văn phòng tư vấn khiếu nại, bình quân mỗi năm giải quyết được trên 1.000 vụ, riêng năm 2014 giải quyết trên 1.500 vụ. Thành công chiếm được khoảng trên 80%”, ông Hùng cho biết.

Còn lại số 20% không giải quyết được, ông Hùng lí giải một số nguyên nhân sau: Đầu tiên do phía người tiêu dùng không đủ chứng cứ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hay đòi hỏi thái quá.

“Ví dụ như người tiêu dùng mua phải chai nước có vấn đề về chất lượng, công ty bồi thường cho 1 vài két cũng là được rồi, đằng này anh lại đòi mấy chục két, có người còn đòi cả trăm triệu đồng, như thế thì không ổn”, ông Hùng nói.

Nguyên nhân nữa là cũng có nhiều doanh nghiệp chây ì, thiếu thiện chí trong giải quyết. Có nhiều doanh nghiệp không biết đến luật pháp. Không ít doanh nghiệp lớn thường chọn cách tránh né khi gặp vấn đề với người tiêu dùng.

“Như vụ người tiêu dùng kiện hãng Coca-cola. Người tiêu dùng thuê cả luật sư. Trước đó họ đòi hỏi cũng rất khiêm tốn. Nước ấy họ không tin tưởng, anh ta muốn đổi chai khác và bồi thường cho anh ta bằng tiền đúng bằng chai nước đó cùng đưa ra lời xin lỗi nhưng bên Coca-cola không chấp nhận nên anh ta kiện ra tòa”, ông Hùng lấy ví dụ về chuyện nhiều doanh nghiệp lớn thiếu tôn trọng khách hàng.

Theo ông Hùng, một kênh nữa để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình là đưa ra trọng tài thương mại.

“Bên Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI có văn phòng này. Về quy định pháp luật thì đơn vị cũng có vai trò giải quyết nhưng thú thực là tôi cũng chưa nghe thấy vụ nào người ta dùng đến trọng tài thương mại”, ông Hùng nói.

Còn trong trường hợp những kênh trên không hiệu quả, người tiêu dùng có thể phản ánh đến báo chí hoặc kiện nhà sản xuất ra tòa án dân sự.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang