Muốn phát triển nhanh, cần phải phát triển khoa học công nghệ

author 11:41 06/11/2017

(VietQ.vn) - Muốn phát triển nhanh, chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ và có những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam từ khâu nghiên cứu đến phát triển sản phẩm. Còn nếu chúng ta vẫn đi làm thuê thì mãi mãi là “ráo mồ hôi hết tiền”.

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam với phóng viên Dân trí sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) sáng 5/11, tại Đà Nẵng. 

Theo đó, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, cuộc họp lần này của ABAC tập trung khuyến nghị 3 nhóm vấn đề: Một là hội nhập sâu hơn trong khu vực và bỏ hàng rào bảo hộ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển và đầu tư; hai là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỷ thuật số; ba là tầm nhìn 2020 và những năm tiếp sau đó.

'Trước đây, chúng ta dự kiến đưa ra 20 khuyến nghị, nhưng nếu như thế thì dàn trải, không tập trung, nên chúng ta đưa ra 3 vấn đề cốt lõi như trên. Còn một vấn đề nữa là năm nay chúng ta tập trung rất nhiều về công nghệ số, các dịch vụ công nghệ số. Đây là cái sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của khu vực trong thời gian tới" - Ông Dũng cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, trong 28 năm hoạt động của APEC, với mục tiêu tự do hóa thương mại, thu nhập bình quân đầu người của mỗi nền kinh tế tăng lên gấp 5 lần; 1,2 tỷ người dân thoát nghèo; rào cản thuế từ 17% giảm xuống còn 12,5% và đang tiếp tục giảm.

"Càng giảm chủ nghĩa bảo hộ, giảm hàng rào thuế quan thì kinh tế trong khu vực sẽ càng phát triển. Chỉ có tiếp cận với hội nhập, tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới thì chúng ta mới phát triển được. Và chúng ta phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì người dân Việt Nam mới được hưởng lợi, các doanh nghiệp của chúng ta mới trưởng thành" - Ông Dũng nhận định.

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam. Ảnh Báo Dân Trí

Nhìn nhận trong thực tế, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, người công nhân tham gia quá trình sản xuất được hưởng lợi rất là thấp, còn hầu hết là lợi nhuận đổ vào những nhà sáng chế, trí tuệ cao.  Muốn phát triển nhanh, chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ và có những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam từ khâu nghiên cứu đến phát triển sản phẩm. Còn nếu chúng ta vẫn đi làm thuê thì mãi mãi là “ráo mồ hôi hết tiền”, và không chỉ đi làm thuê ở nước ngoài mà làm thuê ngay trên chính đất nước của mình.

Nói về khuyến nghị gì để phát triển công nghệ cao, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, khuyến nghị xây dựng chính sách, môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, khoa học, để công nghệ mới có thể được áp dụng nhanh chóng.

"Ví dụ như công nghệ của Uber, Grab. Họ rất là hay ở chỗ họ không có ô tô nào, cũng không có người lái xe, cũng không phải trả lương, mà mỗi năm họ kiếm được hàng tỷ đồng dù họ đang ngồi ở bên Mỹ. Còn chúng ta ở đây thì tốn kém tiền nong các thứ mà cũng chỉ là làm thuê thôi. Cho nên chúng tôi muốn nhấn mạnh lại là muốn phát triển, chúng ta phải đi vào khoa học công nghệ" - Ông Dũng dẫn chứng.

Với các start up, ông Hoàng Văn Dũng khuyến nghị Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp phải và muốn tự đứng bằng chính đôi chân của mình chứ không trông đợi ngân sách hỗ trợ, tự đi câu con cá thì mới phát triển bền vững.

Một sáng kiến khác cũng được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 là “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo”. Nói về sáng kiến này, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, có thể nói, từ năm ngoái đến năm nay, Chính phủ đã coi trọng doanh nghiệp tư nhân hơn. Còn doanh nghiệp tư nhân không thể “chờ” vào thế hệ già được nữa mà phải “chờ” vào thế hệ trẻ. Những người mới tốt nghiệp đại học mới có sự năng động, sáng tạo và khi họ tham gia thị trường thì mới tạo ra sức bật mới.

Sáng kiến “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo” là sáng kiến của Việt Nam. (Mục tiêu của sáng kiến này là: Thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi; Hỗ trợ sự tham gia bền vững và hiệu quả của các doanh nghiệp khởi nghiệp; Khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp trong kỷ nguyên số).

“Tôi nghĩ sáng kiến này rất hay. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trẻ Việt Nam tiếp xúc với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến đây. Họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), chúng tôi đã mời Chủ tịch Facebook (Mark Zuckerberg), Chủ tịch (tập đoàn Alibaba) Jack Ma và lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ mới để họ chia sẻ các kinh nghiệm làm giàu của mình” – Ông Dũng nhấn mạnh.

PV (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang