Mỹ cảnh báo nguy cơ ung thư gan từ bao bì thực phẩm và đồ dùng nhà bếp

author 15:16 11/08/2022

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu tại Mỹ, các hóa chất tổng hợp phổ biến trong bao bì thực phẩm và một số đồ dùng nhà bếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư gan.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California (USC), ở Los Angeles, Mỹ đã phát hiện ra loại "hóa chất vĩnh cửu" có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan không do virus - một loại ung thư gan phổ biến.

Perfluooctane sulfate (PFOS) là một hợp chất thuộc nhóm per- và polyfluoroalkyl, được gọi chung là PFAS. PFOS còn được các chuyên gia ví như là "hóa chất vĩnh cửu", vì có thể mất nhiều năm để chúng phân hủy trong cơ thể hoặc ngoài môi trường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, PFAS có mặt ở khắp mọi nơi - từ dụng cụ nấu ăn chống dính, nước máy cho đến hải sản, quần áo chống thấm nước, sản phẩm tẩy rửa và thậm chí cả dầu gội đầu.

 Hóa chất tiềm ẩn trong đồ dùng nhà bếp có thể gây ung thư gan. Ảnh minh họa

Nghiên cứu này góp phần cho thấy sự nguy hiểm của các hợp chất thông dụng mà cho đến những năm gần đây vẫn chưa được biết đến đầy đủ.

Vào tháng Sáu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã cắt giảm mạnh ngưỡng an toàn đối với PFOS trong các sản phẩm tiêu dùng. Theo hướng dẫn cũ, EPA khuyến nghị không nên uống nước chứa hơn 70 phần nghìn tỷ (ppt) PFOA trên lít. Trong quy định mới, giới hạn hạ xuống chỉ còn 0,004 ppt đối với PFOA và 0,02 ppt đối với PFOS.

Tiến sĩ Jesse Goodrich, học giả sau tiến sĩ tại USC, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên trên người cho thấy PFAS có liên quan đến bệnh ung thư gan.

Nhóm nghiên cứu của USC đã sử dụng dữ liệu từ công trình Nghiên cứu đoàn hệ đa sắc tộc - một dự án tương tự như ngân hàng sinh học của Anh, thu thập lượng lớn dữ liệu y tế từ người dân ở Hawaii và khu vực Los Angeles. Với dữ liệu của hơn 200.000 người, nhóm nghiên cứu chọn ra 50 người phát triển ung thư gan và so sánh với 50 người khác không mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu phân tích mẫu máu của bệnh nhân ung thư trước khi chẩn đoán và so sánh với mẫu máu của nhóm đối chứng - gồm những người không bao giờ phát triển bệnh. Họ phát hiện ra rằng, những người tiếp xúc nhiều nhất với chất độc nhân tạo PFOS và PFAS có nguy cơ ung thư cao gấp 4,5 lần so với những người tiếp xúc ít nhất.

Các hóa chất độc hại này thường sẽ đi vào gan sau khi được tiêu hóa, sau đó chúng bắt đầu bám vào gan và làm thay đổi đáng kể hoạt động của cơ quan này.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng PFOS dường như làm thay đổi quá trình chuyển hóa glucose, chuyển hóa axit mật và axit amin trong gan. Kết quả của sự gián đoạn này khiến nhiều chất béo hình thành xung quanh gan hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đáng chú ý, gan nhiễm mỡ và béo phì là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Cuối cùng, nhóm tác giả lo ngại rằng, nhiều người có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong tương lai, do tiêu thụ sản phẩm chứa PFOS và PFAS suốt những năm qua.

Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới với số mắc năm 2018 là 25.335 ca. Tỷ lệ mắc ở nam giới nước ta là 39/100.000 dân, trong khi nữ giới là 9,5/100.000 dân.

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan mật ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, nhất là trước các vấn nạn lạm dụng rượu bia, viêm gan virus B, C, thực phẩm bẩn, thuốc tây, hóa chất gây tổn thương tế bào gan.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.

Phần lớn bệnh gan tại Việt Nam được phát hiện đã quá muộn, các tế bào gan bị phá hủy hàng loạt, hình thành các sợi xơ hóa không có chức năng. Biểu hiện bằng các triệu chứng như: vàng mắt, vàng da, đau tức bụng phải, chán ăn, sụt cân, mẩn ngứa, xơ gan, ung thư gan, việc điều trị lúc này trở nên vô cùng khó khăn, hiệu quả không cao, chi phí điều trị tốn kém khiến cho nhiều người không kiên trì được mà bỏ cuộc. Do đó, việc phát hiện, bảo vệ và phục hồi tế bào gan sớm đóng vai trò mấu chốt trong phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang