Mỹ phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất theo quy định: Vì sao vẫn 'nóng'?
Thẩm mỹ Dr. Vinh Lê bị tước giấy phép khám chữa bệnh 2 tháng và bị phạt 106 triệu đồng
Hà Nội: Công nhận 90 sản phẩm đạt giải Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2024
Ninh Bình: Thanh kiểm tra về đo lường, chất lượng trong kinh doanh trang sức, mỹ nghệ
Hàng loạt mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành do không đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy định
Mỹ phẩm là sản phẩm quen thuộc được dùng để trang điểm hoặc thay đổi diện mạo, mùi hương cơ thể. Mỹ phẩm còn là dưỡng chất được thiết kế để làm sạch, bảo vệ và thay đổi diện mạo các bộ phận bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên hiện nay ngoài sản phẩm được sản xuất đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn vẫn còn không ít sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng lớn cho người tiêu dùng.
Cụ thể, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có thông báo đình chỉ và thu hồi lô sản phẩm kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser, hộp 1 lọ 8g có số lô là 23032401; ngày sản xuất 23/03/2024; hạn sử dụng 23/03/2027; số công bố 001366/22/CBMP-HCM do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ 25 đường 4C, khu phố 4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ 111/10 Lê Đình Cẩn, khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí MInh). Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraen và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cũng tại Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm quốc tế Lupacell (địa chỉ tại A01-L65, khu A, khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông) 45 triệu đồng do quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Cùng với đó, đơn vị phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng trên website của công ty.
Mỹ phẩm không đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy định gây nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt Công ty TNHH Dermamed (tầng 7, tòa nhà Etown 1, 364 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình) 140 triệu đồng do có các hành vi vi phạm khi thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc. Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Hành Tinh Xanh (số 30, Tam Bình, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) bị xử phạt 100 triệu đồng do đã không bảo đảm một trong các điều kiện khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Công ty phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm Whitening Skin Body Cream (nhãn hàng FACEPLUS+, SOLO: 01) và Kem nám - tàn nhang - mờ sạm thâm - giúp ngừa lão hóa da (nhãn hàng PTBERT, SOLO: 01), nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp cho các sản phẩm trên.
Cũng với hành vi không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH XNK Khang Thịnh (30/110 Đỗ Nhuận, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) bị xử phạt 90 triệu đồng, buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 000277/23/CBMP-HCM ngày 9/2/2023 do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cấp; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm Collagen Esence Mask (Nhãn hàng Beaumore, số lô C024).
Công ty TNHH Tanida Pharma (50/8 Trương Phước Phan, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) bị phạt 90 triệu đồng do không bảo đảm một trong những điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH Tanida Pharma còn bị buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm Alvextra Skin Hydrating Cream Batch.No: SGAT0124, MFG Date: 14/05/2024, EXP.Date: 13/05/2027; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 002279/24/CBMP-HCM do Sở Y tế TP.HCM cấp cho sản phẩm Alvextra Skin Hydrating Cream.
Tại Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố đã ban hành thông báo việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên địa bàn thành phố 206 sản phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (địa chỉ: số 57 Lê Hữu Tự, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất theo danh mục sản phẩm kèm theo công văn này (có tên, địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đối với từng sản phẩm). Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi: Sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Đề cập tới tình trạng này, GS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều sản phẩm mỹ phẩm quảng cáo thổi phồng, vượt quá công dụng của sản phẩm để thu hút người dùng. Tuy nhiên khi bị cơ quan chức năng "sờ gáy", nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên website đó mình đang quảng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào những nội dung quảng cáo này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện quảng cáo thổi phồng, lừa đảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng sản phẩm có công dụng thần kỳ, thậm chí như thuốc chữa bệnh. Do đó người tiêu dùng nên tỉnh táo khi lựa chọn để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng gây nguy hại cho làn da.
Sản xuất mỹ phẩm cần đáp ứng điều kiện nào theo quy định pháp luật?
Theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm thì các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có Giấy phép đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Giấy phép đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước chứng nhận cho các cơ sở sản xuất mỹ phẩm đáp ứng điều kiện để sản xuất mỹ phẩm. Giấy phép đủ diều kiện sản xuất mỹ phẩm gọi đúng thuật ngữ là giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Tiếp đến cần đáp ứng được điều kiện về nhân sự. Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
Điều kiện về cơ sở vật chất phải có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm.
Tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm
Trước thực trạng gia tăng vi phạm trong kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.
Theo Bộ Y tế, qua công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ trong hồ sơ công bố; thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý theo quy định; chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; một số sản phẩm mỹ phẩm ghi tính năng công dụng gây hiểu nhầm là thuốc.
Mặt khác, qua phản ánh của cơ quan truyền thông, trên mạng internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, không phù hợp tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Để thực hiện tốt công tác quản lý mỹ phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Youtube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.
Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 (ISO 17516:2014) về Mỹ phẩm - Vi sinh vật - Giới hạn vi sinh vật
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 hoàn toàn tương đương với ISO 17516:2014. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 do Viện Kiểm nghiệm Thuốc thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Theo đó, mọi nhà sản xuất mỹ phẩm đều có trách nhiệm đến an toàn vi sinh vật và chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tốt. Mặc dù sản phẩm mỹ phẩm không yêu cầu vô khuẩn nhưng chúng không được phép có quá nhiều vi sinh vật cũng như vi sinh vật chỉ định mà có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm mỹ phẩm được coi là có nguy cơ vi sinh thấp (TCVN 13641:2023 (ISO 29621) có thể không cần kiểm tra vi sinh thường xuyên và nhà sản xuất có thể quyết định không thử nghiệm nếu họ có thể đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này.
Nhà sản xuất nên tuân thủ nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), ISO 22716 và phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật từ nguyên liệu thô, quá trình chế biến và đóng gói. Mục tiêu của tiêu chuẩn này là xây dựng các mức giới hạn định lượng và định tính vi sinh vật có thể chấp nhận được đối với các thành phẩm mỹ phẩm.
An Dương