Mỹ phê duyệt thuốc mới điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối

author 13:18 14/12/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc điều trị ung thư adagrasib dành cho bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.

Quyết định đưa ra dựa trên thử nghiệm lâm sàng có tên KRYSTAL-1. Adagrasib là một loại thuốc uống, được bào chế nhắm vào đột biến gene gọi là KRAS, xảy ra ở khoảng 13% trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), dạng phổ biến nhất của bệnh.

Sau khi được phê duyệt, cổ phiếu của nhà sản xuất Mirati Therapeutics tăng 8%. Mirati cho biết thuốc sẽ được bán dưới tên thương hiệu là Krazati, mức giá 19.750 USD cho một lọ 180 viên, hàm lượng 200 mg một viên. Bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc với liều 600 mg mỗi ngày cho đến khi bệnh tiến triển.

Theo ông David Meek, giám đốc điều hành của Mirati Therapeutics, adagrasib là một "lựa chọn hấp dẫn" để điều trị ung thư. 43% tình nguyện viên trong nghiên cứu giai đoạn hai đáp ứng tốt với thuốc.

 Mỹ phê duyệt thuốc điều trị ung thư phổi di căn. Ảnh minh họa

Tác dụng phụ phổ biến nhất là tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau cơ xương, nhiễm độc gan, suy thận, khó nở, phù nề, chán ăn, ho, viêm phổi, chóng mặt, táo bón. Tình trạng này xảy ra ở ít nhất 20% tình nguyện viên. Các phản ứng khác gồm giảm tế bào lymph, giảm natri, giảm huyết sắc tố,...

"Tôi nghĩ rằng bác sĩ và các bệnh nhân sẽ đánh giá cao liệu pháp này", ông Meek nói.

Trước đó, hãng đã thử nghiệm kết hợp adagrasib với liệu pháp miễn dịch Keytruda nhằm điều trị ban đầu cho người bị ung thư phổi di căn. Kết quả cho thấy thuốc cải thiện bệnh trạng của 50% người tham gia. Trong giai đoạn mới, Mirati sẽ chuyển sang thử nghiệm trên những bệnh nhân chưa đáp ứng tốt với Keytruda, đặt tiêu chuẩn điều trị cao hơn.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới, sau ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 236.000 ca ung thư phổi mới được chẩn đoán và hơn 130.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc ung thư phổi là 52 ca trên 100.000 người mỗi năm.

Theo thống kê của Seer Cancer, khoảng 6% nam giới và phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm mắc ung thư phổi là 22,9%.

Tiến sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh Viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho hay theo ước tính, tại Việt Nam chỉ có khoảng 15% bệnh nhân mắc ung thư phổi còn sống sót sau 5 năm, do nhiều bệnh nhân đến khám phát hiện bệnh ở giai đoạn đã muộn.

Đặc biệt, theo công bố mới về đồng thuận của các chuyên gia y tế trên Tạp chí Ung thư lồng ngực (Journal of Thoracic Oncology), bệnh nhân châu Á chiếm khoảng 60% tổng số ca ung thư phổi trên toàn thế giới, trong đó riêng Việt Nam có hơn 26.200 trường hợp được chẩn đoán mắc mới mỗi năm và gần 23.800 ca tử vong.

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao thứ hai tại Việt Nam, tuy vậy, theo các chuyên gia, nhiều hình thức chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thư trong nước và khu vực đang được thực hiện theo hình mẫu của Mỹ và châu Âu, nơi đặc điểm bệnh nhân và bệnh lý có những điểm khác biệt.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc thay đổi hình thức chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam và châu Á là rất cấp thiết để đáp ứng tốt hơn đặc điểm của bệnh nhân trong khu vực.

Điển hình, tỷ lệ đột biến gene EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Đột biến này được tìm thấy ở hơn 50% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ. Việc xác định đột biến gene EGFR của các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể giúp bác sỹ xác định các phương pháp điều trị phù hợp, vì vậy xét nghiệm EGFR có thể được xem như một “dấu ấn sinh học" lý tưởng để chỉ dẫn cho phác đồ điều trị.

Tuy nhiên, khoảng 2/3 số nhân viên y tế ở châu Á được khảo sát cho biết chỉ chưa đến một nửa số bệnh nhân ung thư phổi được thực hiện xét nghiệm dấu ấn sinh học này.

Dù hút thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi, nhiều bệnh nhân tại châu Á mắc ung thư phổi ở độ tuổi trẻ hơn lại chưa bao giờ hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ tại châu Á khi so sánh với các khu vực khác trên thế giới. Bệnh nhân mắc ung thư phổi mà không hút thuốc lá sẽ có xu hướng xuất hiện đột biến gen EGFR cao hơn.

Tiến sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh cho hay để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam thì việc xét nghiệm đột biến gene hay dấu ấn sinh học là rất cần thiết, không chỉ ở giai đoạn muộn mà ngay cả ở giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ vì sẽ giúp bác sỹ hiểu rõ đặc điểm của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế khi phải điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn.

Giáo sư Tetsuya Mitsudomi - Trung tâm Liên minh nghiên cứu toàn cầu và phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Kindai, Nhật Bản) cho biết xét nghiệm dấu ấn sinh học định kỳ cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á có thể giúp cải thiện kết quả chẩn đoán, giảm thiểu các quy trình không cần thiết và đảm bảo lựa chọn phác đồ điều trị có lợi nhất cho từng bệnh nhân, từ đó mang lại kết quả tốt nhất cho họ.

Thực tế tại Việt Nam, trên 75% bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn di căn xa khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tiên lượng sống sau 5 năm chỉ khoảng 15%. Trong khi đó, nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội điều trị khỏi với thời gian sống thêm dài hơn nhiều (tỷ lệ sống thêm sau 5 năm khi phát hiện ở giai đoạn I là từ 77%-92%).

Nguyên nhân nhiều trường hợp mắc ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn là vì bệnh nhân ung thư phổi không có triệu chứng ở giai đoạn sớm hoặc triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị bỏ sót ở giai đoạn muộn.

Theo Phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen-dị ứng-miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh khi đến khám tại bệnh viện với các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, đau ngực hay sụt cân khi chẩn đoán xác định ung thư phổi, hầu hết trường hợp kết quả trả về ở giai đoạn di căn tiến xa. Do đó, người có nguy cơ cao bị ung thư phổi nên được tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi ngay khi bệnh chưa có triệu chứng rõ rệt.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang