Nắm bắt thời cơ từ khủng hoảng, sẵn sàng đón vận hội mới

author 06:36 12/02/2021

(VietQ.vn) - Năm 2020 khép lại với nhiều dấu ấn khó quên. Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, kiên cường duy trì tăng trưởng dương (2,91%), quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, tạo đà cho một năm 2021với nhiều vận hội mới, hứa hẹn tăng trưởng phục hồi trở lại ấn tượng.

Năm 2020- Nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng

Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Đại dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu. Các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai khốc liệt dị thường, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, dịch bệnh đã liên tiếp tác động tới Việt Nam.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã được Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm thương mại toàn cầu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng thì Việt Nam đã nỗ lực để xuất khẩu được nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới. Trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1%; thặng dư thương mại hàng hóa 19,1 tỷ USD.

 Người lao động dầu khí miệt mài trên các công trình mang vàng đen về cho Tổ quốc

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong bức tranh xuất khẩu của năm 2020, nhiều ngành hàng đã vượt khó thành công. Đơn cử như gạo- mặt hàng chiến lược của nước ta - đã thắng đậm trong năm 2020 khi nông dân trúng mùa lớn, xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.

Là cơ quan quản lý chuyên ngành về hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, 2020 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng kể. Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Trong năm 2020, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong hội nhập quốc tế, trở thành nước đi đầu thế giới với nhiều thỏa thuận hợp tác ở tất cả các lĩnh vực. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu- EU (Hiệp định EVFTA). Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh có nhiều biến động do tác động của dịch Covid-19, Việt Nam đã phát huy vai trò, dẫn dắt ASEAN ký kết thành công Hiệp định RCEP vào tháng 11/2020. Hội nhập kinh tế quốc tế đã khiến thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Đặc biệt, một vấn đề được các chuyên gia kinh tế thế giới thán phục là sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong tình hình mới. Nếu như trước đây, Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hóa, nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây là minh chứng khẳng định Việt Nam đã nắm bắt cơ hội tốt từ khủng hoảng.

Năm 2021- Đón vận hội mới

Bước vào năm 2021, đất nước ta đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nước ta tiếp tục có thuận lợi, đó là: sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, minh chứng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại với mức 2 con số; nông nghiệp duy trì ổn định và giá trị gia tăng cao, đặc biệt là sự nở rộ của dịch vụ công nghệ số. Xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do với Anh Quốc vừa vào ngày cuối năm 2020, cùng với Hiệp địnhEVFTA và Hiệp định RCEP và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác.

Mới đây, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với mức tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo. Còn TS. Jacques Morisset- Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, năm 2021, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh mẽ và thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. ,

Tuy nhiên, vẫn còn các yếu tố kìm hãm tăng trưởng, đó là: diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia kinh tế, để đón được vận hội mới trong năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700USD/người năm 2021.

Năm 2021 đã đến. Với khí thế mới, niềm tin mới, quyết tâm mới, Việt Nam sẽ có chiến lược mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo với trọng tâm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu. Đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy văn hóa, giá trị con người Việt Nam- đó là những nhân tố để Việt Nam đón nhận vận hội mới, đưa đất nước bứt tốc phát triển trong những năm tới.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang