Nâng cao chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản thương mại

author 06:19 02/03/2023

(VietQ.vn) - Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa là một trong những vấn đề cốt lõi nhằm vượt qua các rào cản thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Bởi có nhiều quy định từ các thị trường xuất khẩu bắt đầu được áp dụng từ năm 2023, sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm nhập cũng như duy trì xuất khẩu.

Thông tin mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 02/2023 đã có những tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, trong tháng 2/2023 xuất khẩu đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,08 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7%.

Mặc dù đã có những dấu hiệu đáng mừng ngay từ đầu năm nhưng trong bối cảnh thị trường và chính trị có diễn biến khó lường, cạnh tranh thương mại phức tạp, nhiều dự báo cho rằng hoạt động thương mại sẽ còn đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023.

Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi nhằm vượt qua các rào cản thương mại. Ảnh minh họa.  

Trong đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi nhằm vượt qua các rào cản thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Bởi có nhiều quy định từ các thị trường xuất khẩu bắt đầu được áp dụng từ năm 2023, sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình xâm nhập cũng như duy trì xuất khẩu.

Đơn cử như với thị trường Liên minh châu Âu (EU), ngày 27/1, EU đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tần suất cao về kiểm soát chất lượng.

Mặt hàng ớt tươi nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Mặt hàng đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.

Ớt tươi nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Ảnh minh họa. 

Trước đó, vào ngày 23/1, EU cũng đăng công báo quy định implementation regulation (EU) 2023/147 ngày 20/1/2023 về sửa đổi phụ lục II, III và V của quy định 396/2005 về ngưỡng dư lượng cyromazine, topramezone và triflumizole trong hoặc trên một số sản phẩm.

Theo đó, ngưỡng của các chất trừ sâu, diệt cỏ, diệt nấm này được quy định cụ thể với các loại rau, quả, trà, động vật, nội tạng động vật. Quy định này có hiệu lực sau 20 ngày đăng công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng Quy định có hiệu lực. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm, các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật cần sớm nắm được thông tin để thực hiện đúng quy định mới tại thị trường này.

Hay đối với thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn tiếp tục được ưa chuộng tại đây. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp sản xuất bền vững, minh bạch và có thể chịu trách nhiệm.

Để giữ mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt tập trung vào một số thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ về đích mức thuế suất bằng 0% trong năm nay.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp cần cắt giảm những chi phí không cần thiết, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động, bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang