Nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại: Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình

author 06:25 08/09/2021

(VietQ.vn) - Điều đáng mừng là hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may...

Như chúng ta đã biết, phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với nhiều biến chủng nguy hiểm, nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. Đồng thời, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực thực thi, khiến cho các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng tăng.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng của nước ta như sợi, gỗ, thép, ... liên tục bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Khi mới gặp phải các biện pháp này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của ta đã rất bất ngờ và thất vọng. Có doanh nghiệp cho rằng bị nước nhập khẩu đối xử bất công và đây là các biện pháp bảo hộ trá hình. Phản ứng này là bình thường, đặc biệt khi chúng ta còn bỡ ngỡ với các quy định của thị trường nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định: “Để không bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại và tận dụng lợi thế từ các biện pháp này, chúng ta cần học hỏi cách chơi theo luật và hiểu luật”.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã dần quen và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa. 

Điều đáng mừng là gần đây, các doanh nghiệp Việt đã dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại đặc biệt này để tiếp tục ổn định sản xuất, xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi và có kinh nghiệm xử lý cũng như chuẩn bị chiến lược ứng phó phù hợp đối với mỗi vụ kiện. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may...

Là một trong số ít những doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi tại thị trường Hoa Kỳ, thế nhưng theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, để có được thuận lợi này không phải điều dễ dàng.

“Đối với vấn đề phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải có sự đầu tư dài hạn sao cho đáp ứng được từ yêu cầu về điều kiện nuôi, chế biến thủy sản đến việc chứng minh không bán phá giá. Và để vượt qua các rào cản này, chủ yếu phụ thuộc vào sự tích cực, chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp”, ông Ngô Quang Trường, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông chia sẻ.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại do cho rằng không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Vấn đề này cần có thời gian và phải được cải thiện một cách có hệ thống.

Bởi nhận thức và sự tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định tới kết luận của vụ việc ngay cả khi có kết luận sơ bộ và kết luận chính thức. Do đó, việc chủ động theo dõi và tuân thủ quy định của nước nhập khẩu, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công thương, cơ quan điều tra nước ngoài là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu. Đặc biệt, để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang