Nâng cao vai trò của phòng thí nghiệm trong đảm bảo vệ sinh ATTP

author 05:46 15/03/2017

(VietQ.vn) - Các phòng thí nghiệm có vai trò to lớn trong phát hiện, cảnh báo những nguy cơ về an toàn thực phẩm (ATTP).

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sáng 14/3, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (KH&CN) về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh - an toàn thực phẩm trên địa bàn, và dành phần nhiều thời gian làm rõ vai trò, chức năng cũng như thực tế triển khai nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm - CASE.

Tham dự đoàn công tác của HĐND TP.HCM có Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải và Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Phạm Khánh Phong Lan, cùng các thành viên của đoàn giám sát.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc sở KH&CN TP Nguyễn Kỳ Phùng đã báo cáo với đoàn công tác của Ban giám sát HĐND TP.HCM những kết quả công việc trong thời gian vừa qua, đặc biệt ở các lĩnh vực hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao tiềm lực KH&CN nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ: Hầu hết các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được Sở chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có chức năng và triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ 3 đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền) xây dựng thương hiệu. Trong đó, tiêu chí xây dựng hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng nhất.

Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Giáo dục&Thời đại

Theo báo cáo, trong những năm vừa qua, TP đã đầu tư hơn 61 tỷ đồng cho Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (CASE) để xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm và trang thiết bị phòng kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi có khả năng đáp ứng các yêu cầu phân tích đòi hỏi độ chính xác cao.

Với hoạt động chuyển giao công nghệ, hầu hết các kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đều được Sở KH&CN chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có chức năng và triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) đã nghiên cứu cải tiến và chuyển giao thiết bị xử lý khí thải, xử lý mùi hôi, chống ồn, chống rung cho các phòng thí nghiệm; nghiên cứu hoàn tất và nghiệm thu bàn cân chống rung; sản xuất và cung cấp bàn chân chống rung...

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 300 phòng thí nghiệm đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về ATTP. Bên cạnh hoạt động phân tích, thí nghiệm thì các công tác khác thuộc lĩnh vực quản lý của Sở như hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ... đều được đảm bảo và thực hiện nghiêm túc.

Thay mặt cho đoàn giám sát, phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải đánh giá cao vai trò của Sở KH&CN trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là việc chuyển giao ứng dụng KH&CN, cũng như đã đầu tư nhiều phương pháp phân tích mới đáp ứng yêu cầu của xã hội với khoảng 80.000 mẫu được đơn vị của Sở phân tích mỗi năm.

Tại buổi làm việc, nhiều thành viên Ban giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện Sở KH&CN Thành phố cũng như trung tâm CASE về công tác cải cách hành chính, mà cụ thể là thời gian trả kết quả, sự hợp tác cũng như vai trò của Sở KH&CN, trung tâm CASE trong các đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà Thành phố đang ưu tiên triển khai như trồng trọt rau an toàn, thịt sạch.

Sở KH&CN TP kiến nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của thành phố trong việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao tiềm lực KH&CN. Thành phố cần ban hành cơ chế, quy trình phối hợp để sử dụng có hiệu quả tiềm lực của các phòng thí nghiệm trên địa bàn thành phố (đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi các phương pháp phân tích, cơ chế đầu tư hoạt động phòng thí nghiệm ...); tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể và bố trí kinh phí thực hiện cho các phòng thí nghiệm góp phần kiểm soát và dự báo về tình hình ATTP. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình nuôi trồng nông, lâm, thủy hải sản theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, mô hình sản xuất lớn và liên kết chuỗi (nuôi, trồng – sản xuất – bảo quản – chế biến – phân phối – tiêu thụ) để ứng dụng có hiệu quả KH&CN.

Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang