Nâng cấp các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật trong khu vực và trên thế giới

author 06:56 16/01/2024

(VietQ.vn) - Trong phiên đàm phán nâng cấp Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) lần thứ 7, Việt Nam được tín nhiệm làm Chủ tọa các phiên đàm phán về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam cũng như ASEAN xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực SPS của Việt Nam được chú trọng và có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng như các bộ, ngành liên quan. Thông qua việc đàm phán những quy định SPS trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), Văn phòng SPS Việt Nam đã góp phần nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN và các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản...

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ, việc liên tục nâng cấp hệ thống SPS của chúng ta được ASEAN đánh giá cao. Điều này thể hiện rõ nét, qua sự kiện Việt Nam làm đồng chủ tọa trong đàm phán nâng cấp FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, tạo cơ sở thiết lập cầu nối với không chỉ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) mà còn cả các đơn vị liên quan trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu của nước bạn. Điều này đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro bởi việc làm giả các cái giấy chứng thư về kiểm dịch động thực vật mà chúng ta đã gặp phải trước đây.

Việc đàm phán lần này, các bên sẽ thống nhất các nội dung về kỹ thuật để làm sao tạo thuận lợi hóa cho thương mại. Đặc biệt, khi có các thay đổi liên quan đến các quy định về SPS, trách nhiệm mỗi bên sẽ có sự thông báo rõ ràng; cũng như xây dựng cơ chế để phối hợp để xử lý các vấn đề về kỹ thuật hoặc khi có bất cập về rào cản kỹ thuật thì hai bên cùng xử lý, thống nhất với nhau để làm sao thúc đẩy thương mại mạnh hơn nữa.

Thông qua cơ chế SPS, Trung Quốc cũng tiếp tục có những cam kết hỗ trợ cho các nước ASEAN như tăng cường về năng lực cho các nước như Lào, Campuchia... Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật của Trung Quốc để nâng cấp cũng như là tăng cường năng lực cho các cán bộ kỹ thuật trong các khâu liên quan đến chẩn đoán dịch bệnh động thực vật, an toàn thực phẩm.

Tiến thêm một bước vào thị trường Canada

Chưa dừng lại ở đó, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục là cơ quan chủ trì đàm phán chương SPS trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada (ACAFTA). Quốc gia Bắc Mỹ là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1977, và đến năm 1981, Hiệp định hợp tác kinh tế ASEAN - Canada (ACECA) được ký kết, tạo ra một nền tảng hợp tác công nghiệp, thương mại, kỹ thuật giữa hai bên.

Hiện nay, Canada và 4 nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu ACAFTA được ký, tổng thương mại song phương giữa Canada và các nước thành viên ASEAN không tham gia CPTPP dự kiến tăng thêm khoảng 7 tỉ USD. Ngoài ra, các quốc gia ASEAN là thành viên CPTPP cũng được nới nhiều quy định về quy tắc xuất xứ, vốn là một rào cản không nhỏ trong CPTPP.

Ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu. Ảnh minh họa

Riêng với lĩnh vực nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay đánh giá, giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa khối ASEAN và Canada ngày càng phát triển. Phía bạn có nhu cầu lớn về nhập khẩu hạt điều, cà phê, hạt tiêu và đang tập trung triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm mở rộng thương mại, đầu tư và tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Từ phía Việt Nam, Giám đốc Văn phòng SPS nhìn nhận, nếu hàng hóa nông sản của Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường Canada sẽ tạo tiền đề để lan tỏa ra các nước lân cận như Hoa Kỳ, Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm 2024 Văn phòng SPS Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... để tạo sức mạnh tổng thể, đồng thời có những đề xuất, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ khi đàm phán, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Thành lập Cổng thông tin quốc gia về SPS

Ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu không những giúp Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu mà còn là lời khẳng định cho vị thế và chất lượng, an toàn thực phẩm, cũng như cách thức quản lý của Việt Nam, theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam.

Cụ thể, năm 2023 Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về biện pháp SPS, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Dù nhận nhiều thông báo hơn, số lượng cảnh báo dành cho Việt Nam lại giảm trong năm vừa qua.

Minh chứng rõ nét là Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU. Trong đó, Việt Nam nhận 67 cảnh báo (khoảng 1,4%) trong số này, giảm 5 cảnh báo (4%) so với cùng kỳ năm 2022.

Việc số lượng thông báo SPS tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất chú trọng tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...

Để duy trì và phát triển hơn nữa kết quả này, Văn phòng SPS Việt Nam đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA”. Khi triển khai, Văn phòng sẽ có cơ sở thành lập Cổng thông tin quốc gia về SPS, với mục tiêu cập nhật một cách nhanh nhất, đồng thời cung cấp kịp thời các giải pháp cho người sản xuất để thích ứng với thay đổi của thị trường.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang