Năng lượng xanh: Định hướng chiến lược cho phát triển bền vững
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để giảm chi phí không cần thiết
Hà Nội chuyển đổi 100% xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh từ năm 2025 để giảm khí thải
Cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam
Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính
Thách thức từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này càng đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh. Đây là thách thức rất lớn vì nguồn vốn có của chúng ta có hạn, nếu đầu tư cho cả công nghiệp công nghệ cao và năng lượng xanh sẽ rất khó khăn.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Còn TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại chỉ ra rằng, phát triển công nghệ và chuyển đổi số là rất quan trọng tuy nhiên việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Những ví dụ thực tế từ các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Microsoft cho thấy, bất chấp nỗ lực giảm thiểu phát thải carbon, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, lượng khí nhà kính của Google đã tăng gần 50% trong 5 năm qua, với tổng phát thải trong năm 2023 tăng 13% so với năm trước đó. Nguyên nhân chính là do mức tiêu thụ điện năng tăng cao tại các trung tâm dữ liệu và lượng khí thải từ chuỗi cung ứng. Microsoft cũng ghi nhận mức tăng 30% trong lượng khí thải CO2 kể từ năm 2020, gây khó khăn cho kế hoạch đạt mức phát thải carbon âm vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn lượng carbon đã thải ra từ trước đến nay vào năm 2050. Điều này minh chứng rằng chuyển đổi số đi đôi với chuyển đổi xanh là một nhiệm vụ đầy thách thức và cần có các giải pháp đột phá.
Giải pháp để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững
Để đối phó với những thách thức này, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ. TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Thứ nhất, cải thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách: Để thúc đẩy phát triển năng lượng, cần thiết phải sửa đổi và bổ sung các bộ luật quan trọng như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, và các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, và đất đai. Các bộ luật này phải được điều chỉnh đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo và điện khí LNG.
Thứ hai, nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII: Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng các cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn. Đồng thời, cần khuyến khích đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi và đa dạng hóa hạ tầng truyền tải điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, cơ chế quản lý và thực thi: Cần cập nhật và sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như PVN, EVN, và TKV. Điều này bao gồm quy định về thu xếp vốn cho các dự án không được Chính phủ bảo lãnh, và việc thế chấp tài sản trong các giao dịch mua bán khí LNG và điện.
Thứ tư, tham vấn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện khí LNG và điện gió ngoài khơi, để học hỏi mô hình quản trị, công nghệ, và kinh nghiệm triển khai các dự án lớn.
Thứ năm, thay đổi nhận thức và tư duy: Nâng cao nhận thức về vai trò của điện khí LNG và điện gió ngoài khơi trong phát triển kinh tế. Giá điện khí LNG cần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, và cần có các cam kết dài hạn về mua bán khí LNG và điện.
Thứ sáu, giải pháp mang tính đột phá: Đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển năng lượng, cho phép triển khai đồng thời các dự án trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý. Đây là điều cần và đủ để quá trình hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược, Quy hoạch Quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và đặc biệt là điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.
Hướng phát triển năng lượng tái tạo và hydro sạch
Một trong những hướng đi quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững là tăng cường phát triển năng lượng tái tạo. TS Hà Huy Ngọc từ Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định ba lĩnh vực trọng điểm cho tăng trưởng xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, hệ sinh thái hydro sạch và giao thông vận tải đường bộ và logistics xanh.
Cụ thể về năng lượng tái tạo: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào lĩnh vực này trong năm 2020 đã đạt trên 5,1 tỷ USD, cao hơn 4 lần so với năm 2019. Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt với mục tiêu phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và 67,5 - 71,5% vào năm 2050.
Công suất của các nhà máy điện dùng NLTT ở Việt Nam khoảng 38,4GW vào năm 2020 và dự kiến đạt đến ~360GW vào năm 2050.
Chuyển đổi năng lượng giao thông vận tải đường bộ và logistics xanh: Việt Nam cần chuyển đổi hệ thống giao thông vận tải từ sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện và xe chạy bằng khí hydro. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược giảm phát thải và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hệ sinh thái hydro sạch: Việt Nam đang hướng tới việc phát triển hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo để phục vụ cho các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và làm nguồn điện dự phòng. Theo dự báo, nhu cầu nội địa cho khí hydro sạch đến năm 2050 có thể đạt 25 - 40 triệu tấn, đóng góp thêm 40 - 45 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 40 - 50 nghìn việc làm.
Nhận định về phát triển năng lượng hydrogen, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030 sẽ sản xuất được khoảng 100 - 500 nghìn tấn hydrogen thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực năng lượng để khử các-bon và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 khoảng 10 - 20 triệu tấn hydrogen được sản xuất; đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Nhìn chung, năng lượng xanh không chỉ là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam mà còn là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững. Các giải pháp được đề xuất không chỉ giúp Việt Nam đối phó với thách thức hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự đồng bộ giữa chính sách, khung pháp lý, và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành một quốc gia phát triển bền vững trên cả ba yếu tố: môi trường, kinh tế và xã hội.
Duy Trinh