Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính

author 15:11 08/08/2024

(VietQ.vn) - Năng lượng xanh là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho phát triển năng lượng xanh.

Hướng tới năng lượng xanh và cam kết quốc tế

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (PTR0) tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện" do Viện Kinh tế Việt Nam và Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp tổ chức, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, lộ trình hướng tới NetZero vào năm 2050 theo Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia được ban hành sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), đặt ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến giới hạn phát thải khí nhà kính cần đạt được và mức độ giảm thiểu so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo đó, đến năm 2030, lĩnh vực năng lượng lượng phát thải không lớn hơn hoặc bằng 457 triệu tấn CO2, tương đương mức giảm 32,6%. Lĩnh vực nông nghiệp kỳ vọng giảm khoảng 43% lượng phát thải tương đương với 64 triệu tấn.

Trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) giảm ít nhất với khoảng 95 triệu tấn. Lĩnh vực chất thải giảm khoảng 60,7% tương đương 18 triệu tấn. Công nghiệp giảm 38,3% tương đương với mức 86 triệu tấn.

Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức PTR0, lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6% và lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2. Điều này có nghĩa trong vòng 20 năm sẽ giảm khoảng 300 triệu tấn. Đây là mức giảm rất lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau trong cả lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng...

Cũng theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Việt Nam đã ban hành chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường các-bon như Luật bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt để đáp ứng mục tiêu PTR0 vào năm 2050, vào năm 2030, ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050. Tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia Đối tác JETP để tận dụng các nguồn lực quốc tế. Thông qua JETP, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh. cụ thể: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn. Giới hạn công suất điện than ở mức 30,2GW (mức kế hoạch dự kiến là 37GW). Đồng thời đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030 (mức kế hoạch hiện tại 36%).

"Từ nay đến 2025 cần đầu tư sớm và ổn định vào năng lượng tái tạo, ban hành khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi; tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện; tiết kiệm năng lượng là lựa chọn hiệu quả về chi phí ở hiện tại và tương lai. Giai đoạn 2030 – 2040, sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhiệt điện sinh khối, tồn trữ năng lượng. Giai đoạn 2040 – 2050, loại bỏ than trong các dây chuyền, thiết bị công nghiệp mới; xác định vai trò nhất định của điện hạt nhân; ưu tiên hydrogen cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng", GS.TS Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Hội thảo thu hút đông đảo nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp tham gia

Tiềm năng phát triển kinh tế xanh

Theo TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta có nhiều lợi thế tự nhiên lẫn yếu tố xã hội và con người, đem lại tiềm năng to lớn cho tăng trưởng xanh. Nguồn dự trữ các-bon dồi dào từ tài nguyên rừng tự nhiên chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia.

Thêm vào đó, thời tiết nóng ẩm tại vùng cận xích đạo dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng các-bon lớn. Vị trí địa lý đắc địa của Việt Nam trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng và bờ biển dài nhiều gió tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Tổng tiềm năng kỹ thuật cho sản xuất năng lượng mặt trời ước tính khoảng 840 GW, gấp khoảng 50 lần công suất năm 2020, và sản xuất gió khoảng 350 GW, gấp khoảng 700 lần công suất năm 2020.

Dân số lớn và người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ về các yếu tố môi trường và sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực.

Lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của nền kinh tế xanh đối với quốc gia là vô cùng to lớn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của việc triển khai hành động tăng tốc tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần có những định hướng rõ ràng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội trong thời kỳ dài hạn.

Dựa theo những phân tích và tính toán trên, có thể thấy rõ lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của nền kinh tế xanh đối với quốc gia là vô cùng to lớn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của việc triển khai hành động tăng tốc tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần có những định hướng rõ ràng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất để kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội trong thời kỳ dài hạn.

 Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang