Nuôi cá biển bằng lồng hợp kim tăng lợi nhuận gấp 1,5 lần

author 10:36 02/11/2015

(VietQ.vn) - Việc sử dụng công nghệ lồng cá bằng đồng thay cho nylon đã đem lại hiệu quả cao, tăng năng suất chất lượng cá gấp 1,5 lần.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014 Việt Nam đã sản xuất được 3,62 triệu tấn thủy sản với diện tích nuôi trồng khoảng 1.100 ha với giá trị 115 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay ngành cũng đang gặp phải nhiều vấn đều khó khăn như: phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, dịch bệnh gia tăng, ô nhiễm môi trường trầm trọng, tỷ lệ cá chết chưa rõ nguyên nhân tăng cao, sản lượng thất thường, hệ số tiêu thụ thức ăn tăng, lợi nhuận kinh tế ngày càng giảm.

Nuôi cá biển bằng lồng hợp kim tăng lợi nhuận gấp 1,5 lầnNâng cao năng suất chất lượng nuôi cá biển bằng lồng hợp kim đồng

Trước tình hình đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã đề xuất nhiều hướng giải quyết để giảm thiệt hại trong nuôi cá lồng; trong đó có các hướng: quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát mức độ cho ăn, con giống…Việc áp dụng công nghệ mới vào giải quyết các hạn chế cũng đang là vấn đề cấp thiết với người nuôi.

Tập quán nuôi cá lồng hiện nay của người dân vẫn sử dụng lưới lồng nylon làm lồng nuôi cá. Đây là loại lưới rẻ tiền, dễ kiếm nhưng còn nhiều nhược điểm: Bị hàu rong rêu bám vào lưới làm cho nước lưu thông kém và tăng ký sinh trùng gây bệnh; thường xuyên phải thay lưới mới; mất công lao động và ảnh hưởng đến cá khi bắt từ lồng này sang lồng khác; sóng biển thường đánh dạt lồng, làm giảm thể tích thực của lồng nylon. Ngoài ra lồng nylon còn bị ảnh hưởng bởi sóng biển, lưới lồng có thể rách do động vật tấn công.

Để khắc phục hạn chế của lồng nylon, từ những năm 1970, các nước tiên tiến đã nghiên cứu sử dụng lồng hợp kim. Đặc biệt từ năm 2010 lại đây, lồng cá làm từ vật liệu đồng đã được lắp đặt rất nhiều ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Đầu năm 2014, Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á (ICASEA) đã hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) thực hiện Dự án lồng cá dùng vật liệu đồng (CAM) trong ngành thủy sản Việt Nam tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) với sự cho phép của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hải Phòng.

Dự án lắp đặt 3 lồng đồng kích thước 3x3x3m và 3 lồng đồng kích thước 2x2,5x3m nuôi cá mú (Grouper). Lồng nylon được dùng làm đối chứng với các điều kiện nuôi tương tự nhau.

Sau hơn một năm thực hiện dự án tại Việt Nam, cho thấy công nghệ lồng cá dùng vật liệu đồng đem lại hiệu quả vượt trội so với lồng nylon. So với lồng nylon, môi trường xung quanh lồng CAM luôn sạch sẽ, không có hàu hà bám. Nước dễ lưu thông qua lồng, hàm lượng ôxy trong lồng cao.

Do môi trường nước thông thoáng, lưới lồng không bị biến dạng khi có dòng chảy, cá trong lồng CAM sinh trưởng cao hơn hẳn so với trong lồng nylon. Tỷ lệ sống của cá trong lồng CAM cao hơn 1,62 lần cá sinh trưởng trong lồng nylon, hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn hẳn. Lồng CAM cũng giúp cá khỏe mạnh, ăn hết thức ăn.

Tỷ lệ sống của cá sau các đợt dịch đối với cá trong lồng vật liệu đồng cũng cao hơn (50,6% so với 24,8% của lồng nylon); hầu như không có hà, hàu bám nên tiết kiệm được chi phí vệ sinh lồng.

Vật liệu đồng sau khi không còn sử dụng có thể tái chế, bán lại cho nhà cung cấp sử dụng… Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, cá trong lồng CAM có mật độ ký sinh trùng thấp hơn nhiều so với trong lồng nylon. Do đó, cá lớn nhanh và khỏe hơn nuôi trong lồng nilon.

Qua đó, cho thấy đây là một vật liệu an toàn, sử dụng thân thiện môi trường, giúp nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Lợi nhuận từ nuôi cá lồng đồng gấp 1,5 lần so với lồng nylon, nhờ cá sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ cá sống cao hơn, chuyển hóa thức ăn tốt hơn, ít dịch bệnh hơn, giảm nhân công, cho dù vốn đầu tư ban đầu cao hơn.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang