Nền kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua nhiều biến cố

author 11:06 25/06/2023

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, kết quả quan trọng nhất chính là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi thế giới chao đảo, Việt Nam đã chống chịu rất tốt, tăng trưởng tích cực, lạm phát ổn định cho dù có những biến cố trong nền kinh tế. Đối với những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã nỗ lực hành động để tháo gỡ và nhiều chính sách đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Nhiều chính sách mang tính tháo gỡ của Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Giữ mạch tăng trưởng trong khi thế giới suy giảm

PV: Chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023, một năm tiếp tục có nhiều sóng gió dù đại dịch đã qua. Xin ông cho biết một số đánh giá về tình hình kinh tế trong 6 tháng vừa qua?

Ông Trần Đình Thiên: Những số liệu về kinh tế được công bố đã cho thấy tình hình khó khăn đang diễn ra cả đối với doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI, khác với xu hướng của những năm trước là thường khu vực FDI tương đối ổn. Điều này cho thấy tình thế năm nay rất khác, không thể dự đoán theo logic năm ngoái.

Tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng tiếp tục giảm đáng kể chứng tỏ sản xuất quý tới chưa thể cải thiện. Số doanh nghiệp rời khỏi khỏi thị trường cao hơn số thành lập mới và quay lại hoạt động cho thấy sự tổn thất của lực lượng sản xuất đóng góp cho GDP là rất cao. Những khó khăn của khu vực FDI cho thấy tình hình thế giới cũng đang rất khó và đó là vấn đề nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách mang tính tháo gỡ rất mạnh, thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ từ cuối năm ngoái là không e ngại lạm phát, phải cứu doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ đưa ra một loạt các giải pháp mạnh như gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người mua nhà; giảm lãi suất; triển khai hàng loạt biện pháp tài khoá, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%; sửa nghị định về trái phiếu doanh nghiệp... Nghị định này vừa sửa năm ngoái, năm nay lại sửa ngay khi thấy bất hợp lý, cho thấy tinh thần vì doanh nghiệp rất cao.

Cùng với đó là sửa quy định về sở hữu condotel; nới chính sách về visa; đẩy nhanh thời gian hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp… Tôi cho rằng, cách làm việc như thế sẽ dần tháo gỡ được vấn đề.

PV: Thời điểm này cũng là lúc nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đi qua được một nửa. Nhìn lại giai đoạn hơn 2 năm vừa qua, theo ông đâu là những điểm nổi bật?

Ông Trần Đình Thiên: Hơn 2 năm vừa qua, một kết quả quan trọng đầu tiên là chúng ta đã thành công trong việc thoát khỏi đại dịch mà vẫn giữ được mạch liên kết với kinh tế thế giới. Nền kinh tế của ta độ mở cao, sức chống chịu còn yếu nhưng vẫn giữ được mạch tăng trưởng trong điều kiện thế giới suy giảm là một thành công lớn. Thành công này bắt nguồn từ nỗ lực vật lộn trong đại dịch để duy trì các điều kiện sản xuất cho các trung tâm công nghiệp. Trong tình thế bất thường, chúng ta đã đưa ra cách xử lý khác thường, vừa nỗ lực chống dịch vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Điểm sáng quan trọng nữa là dù mấy năm gần đây bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng các dự án đường cao tốc đã được khởi công liên tục mang lại khí thế mới cho nền kinh tế, tạo tác động tích cực trong dài hạn, đường có thông kinh tế mới phát triển. Khi việc triển khai sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao còn khó khăn thì mở thêm đường cao tốc là một tư duy chiến lược rất sáng.

Kết quả quan trọng nhất chính là giữ được ổn định vĩ mô. Hai năm qua, thế giới chao đảo, song Việt Nam đã chống chịu rất tốt, vẫn tăng trưởng tích cực, lạm phát ổn định theo nghĩa chung về ổn định vĩ mô, bao gồm cả ổn định xã hội khi xảy ra những biến cố trong nền kinh tế. Hai năm qua, nền kinh tế đã chịu đựng nhiều cơn “tai biến” như vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh… Đây là vấn đề tồn tại từ trước, đến lúc kinh tế khó khăn mới bộc lộ ra, nhưng ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô là điểm sáng lớn.

Ổn định vĩ mô không chỉ dừng ở lạm phát thấp

PV: Cùng với các thành quả thì những gì diễn ra trong 2 năm qua để lại cho chúng ta bài học gì, thưa ông?

Ông Trần Đình Thiên: Bài học thứ nhất là từ việc chương trình phục hồi kinh tế triển khai quá chậm, cho thấy vấn đề phối hợp giữa các cơ quan thực thi vẫn là nhược điểm cố hữu, nên có chính sách tốt mà không được triển khai kịp thời, đánh mất thời cơ. Đây là một chương trình rất đúng lúc, rất tốt, được cả Quốc hội và Chính phủ đồng thuận, với nguồn lực được chuẩn bị đầy đủ, nhưng giải ngân chậm trễ, ách tắc. Lẽ ra nếu triển khai kịp thời, đúng lúc, chúng ta đã có thể nắm bắt cơ hội, đứng dậy rất nhanh. Từ việc triển khai chương trình này đã gợi ra nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý về cơ hội cứu nền kinh tế.

Vấn đề thứ hai là nền kinh tế đang bộc lộ cơ cấu nhị nguyên. Thành tích tăng trưởng chung là tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhiều, các đánh giá có thể sai lệch rất nhiều. Khu vực trong nước yếu kém nhưng nếu khu vực nước ngoài mạnh thì tăng trưởng vẫn tốt, chỉ có bộ phận “nội lực là quyết định” sẽ yếu đi. Lạm phát thấp mà tăng trưởng cao là nghịch lý, song ở Việt Nam điều này xảy ra bởi lạm phát thấp được giả định là khu vực FDI đóng góp cho tăng trưởng là chính, nhưng FDI không dựa vào vốn trong nước mà dựa vào vốn nước ngoài nên không cần bơm tiền ra họ vẫn có tăng trưởng tốt. Ngược lại, khu vực nội địa yếu kém vì không có vốn.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mạch tăng trưởng

Hơn 2 năm qua, kết quả quan trọng là nước ta đã thành công trong việc thoát khỏi đại dịch mà vẫn giữ được mạch liên kết với kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, sức chống chịu còn yếu nhưng vẫn giữ được mạch tăng trưởng trong điều kiện thế giới suy giảm là một thành công lớn.

Trong tình thế bất thường, chúng ta đã đưa ra cách xử lý khác thường, vừa nỗ lực chống dịch vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Điểm sáng quan trọng nữa là dù mấy năm gần đây bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng các dự án đường cao tốc đã được khởi công liên tục mang lại khí thế mới cho nền kinh tế.

Chúng ta cho rằng lạm phát thấp, tăng trưởng cao là kỳ diệu, nhưng thực ra đó là nghịch lý. Tình trạng lạm phát thấp, lãi suất cao khiến doanh nghiệp không tiếp cận được, quy trình thủ tục lại khó khăn, nhưng thành tích tăng trưởng cao lạm phát thấp đã khiến nỗi lo này bị xao nhãng. Đây là nghịch lý phải tháo gỡ cho khu vực nội địa, nếu không khu vực này sẽ ngày càng yếu đi. Bài học là kết quả tăng trưởng chung phải được mổ xẻ về cơ cấu gắn với khu vực cụ thể, nếu không sẽ đưa ra những nhận định sai về mặt chính sách.

Từ vấn đề này đặt ra bài học thứ ba là phải hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc thể chế để khu vực nội địa vươn lên. Trong 2 - 3 năm qua hầu như không ghi nhận sự lớn lên của lực lượng doanh nghiệp nội, cả về tương đối và số tuyệt đối. Nếu cứ lạm phát thấp, lãi suất cao thì doanh nghiệp chết dần, dự án FDI làm 2 năm thì doanh nghiệp nội có khi làm tới 4 năm. Lãi suất cao chưa đáng ngại bằng thời gian triển khai dự án kéo dài, bởi kéo dài thời gian là chi phí đội lên gấp bội.

Do vậy, quan trọng hơn cả là hỗ trợ, tháo gỡ về quy trình, thủ tục, cải tiến bộ máy quản lý nhà nước và cấu trúc thị trường tài chính để dự án thông suốt, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nếu không doanh nghiệp Việt Nam không lớn được mà chỉ có thể dành để tồn tại, chống chịu. Chính phủ đang nỗ lực cao độ cho vấn đề này, tôi cho rằng cần có chương trình mang tính đột phá tương tự như Đổi mới lần 2 mới giải quyết được.

PV: Ông đánh giá kết quả quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, song cũng chỉ ra ổn định vĩ mô mà lạm phát thấp, tăng trưởng cao là nghịch lý. Vậy ổn định kinh tế vĩ mô phải được nhìn nhận như thế nào?

Ông Trần Đình Thiên: Kết quả ổn định kinh tế vĩ mô đúng là không phải chỉ nhìn vào lạm phát thấp. Theo lý thuyết, phải hiểu lạm phát thấp có thể là yếu tố làm tăng trưởng giảm. Tăng trưởng của Việt Nam tốt vì có tác động lớn của khu vực FDI. Do đó, chỉ căn cứ vào CPI để đánh giá ổn định vĩ mô là không đủ, vì nó còn liên quan đến đánh giá nợ ngân hàng, nợ xấu nhiều hay ít, thị trường trái phiếu, chứng khoán ổn định không… Đây là những chỉ báo quan trọng liên quan đến ổn định vĩ mô.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam yếu kém thì không thể nói vĩ mô ổn định. Nếu tăng trưởng duy trì 7% thì lạm phát 6 - 7% cũng là bình thường, nhất là khi hiệu quả sản xuất trong nước chưa cao lắm, chứ không nên để lạm phát thấp quá.

Tới đây, khi đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng cần mềm mại và bền vững hơn, không chỉ có giữ lạm phát mà phải gắn với bảo đảm tăng trưởng bền vững, muốn tăng trưởng cao thì khu vực trong nước phải hoạt động tốt.

PGS.TS Trần Đình Thiên 

PV: Kết quả tăng trưởng kinh tế hơn hai năm qua thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch của cả giai đoạn. Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng đạt kế hoạch 5 năm đã đề ra, có nên điều chỉnh hay không?

Ông Trần Đình Thiên: Tôi dự báo sẽ rất khó khăn để đạt mục tiêu của 5 năm vì 2 năm rưỡi qua đã rất khó rồi, hơn 2 năm tới cũng còn nhiều thử thách không dễ vượt qua. Không phải tình cờ thế giới dự báo 10 năm nay là thập niên mất mát, kinh tế Mỹ có phục hồi sớm nhất cũng phải năm 2024, kinh tế Đức trụ cột của EU dự báo suy thoái, sự phục hồi của Trung Quốc chưa chắc chắn, các thị trường lớn của Việt Nam đều bị tác động rất mạnh.

Về xu hướng, có thể tích cực lên nhưng chưa bảo đảm những điều kiện thuận lợi giống như thời kỳ đầu làm kế hoạch. Tuy nhiên, có một số yếu tố để kỳ vọng. Đó là Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ từ bên trong, nhìn cách làm của Chính phủ hiện nay cho thấy đang có đà tháo gỡ quyết liệt những ách tắc về quy trình, thủ tục, mặc dù khó mà giảm nhanh được.

Trong bức tranh chung, đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng. Việt Nam vẫn là tọa độ hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là động lực mà nếu làm tốt có thể tạo ra bước ngoặt.

Tôi cho rằng, chưa đến mức mà được nửa nhiệm kỳ thấy khó thì điều chỉnh mục tiêu, ngay cả khi rất khó vẫn phải đặt mục tiêu để phấn đấu. Dù giai đoạn này khó khăn nhưng nếu giữ mục tiêu đó và tạo thành động lực cải cách mạnh mẽ thì mục tiêu 5 năm không phải không khả thi.

Lao động và doanh nghiệp là khâu đột phá

PV: Từ diễn biến tình hình hiện nay, ông đánh giá đâu là những điểm cần lưu ý trong thời gian tới?

Ông Trần Đình Thiên: Ở trong nước, như tôi đã nói các con số về doanh nghiệp rất đáng lưu ý. Chưa bao giờ doanh nghiệp rút lui lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Doanh nghiệp rút lui nhiều thì ngân sách giảm, GDP giảm, trong khi doanh nghiệp thành lập mới chưa thể đóng góp gì ngay. Cho nên 7 tháng còn lại của năm không có nhiều cơ sở để dự báo tăng trưởng tốt.

Phản ứng linh hoạt để ứng phó với tình hình

“Với tình hình thế giới bất ổn, bất định, xung đột kéo dài, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng tồi đi kéo theo nhiều chi phí, việc dự báo sẽ ngày càng khó chính xác hơn, nhất là khi gia tốc của sự thay đổi tăng lên rất nhanh. Đó là những khó khăn khách quan ngoài tầm định đoạt của chúng ta.

Trong điều kiện như thế, Việt Nam nên kiên trì, quyết tâm giữ những mục tiêu đã đề ra để phấn đấu, để “quyết chiến”, dù thời gian tới có thể khó hơn nữa. Tôi nhận thấy Chính phủ đang rất quyết tâm nhưng có những vấn đề phải phản ứng linh hoạt, xử lý cấp bách hơn nữa, tránh để lưu cữu như vấn đề của ngành điện, làm chi phí ngày càng tăng lên khiến cả nền kinh tế phải trả giá. Giai đoạn trước có nhiều lúc khó khăn, chúng ta "nước đến chân mới nhảy" và đã nhảy được. Nhưng nay cộng hưởng cả với tình hình bên ngoài thì "nước sẽ lên đến bụng" rất nhanh” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét.

Thị trường việc làm cũng đang có nhiều vấn đề. Thông tin chính thức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là hơn nửa triệu người mất việc làm và thực tế có thể lớn hơn nhiều. Thực tế này tích hợp của 2 xu thế, một là đơn hàng giảm nên thu hẹp lao động, mang tính ngắn hạn.

Hai là do cộng hưởng bởi xu hướng lao động gia công lắp ráp sẽ bị thay thế bằng lao động tự động hoá, nên xu hướng mất việc của lao động trình độ thấp sẽ tăng lên chứ không giảm đi nếu không có những dịch chuyển cơ cấu mạnh mẽ. Như vậy, điều cần làm là tập trung đầu tư cho chất lượng lao động, nâng cao trình độ nếu không sẽ rất rủi ro, thậm chí là báo động.

PV: Ông vừa nói đến cần chương trình mang tính đột phá để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt, vậy chương trình này nên tập trung vào vấn đề gì?

Ông Trần Đình Thiên: Với mục tiêu như thế thì phải tập trung cho cải cách thể chế, đưa ra giải pháp gỡ những vấn đề từ dịch Covid đã bộc lộ rất rõ ràng, tập trung ưu tiên cho khu vực nội địa và doanh nghiệp trong nước. Trong khu vực trong nước nên đặc biệt chú ý đến khu vực khởi nghiệp sáng tạo. Lĩnh vực này mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa đúng mức, đúng bản chất vì những áp lực thành tích.

Thống kê của thế giới cho thấy, tất cả những yếu tố đột phá giúp tăng trưởng nhanh đều gắn với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn với công nghệ, kinh tế số. Nếu Việt Nam tạm thời dành ưu tiên cho vấn đề này thì tăng trưởng dài hạn sẽ có những thay đổi, đột phá, chất lượng cũng thay đổi và điều này phù hợp với đường lối của Đảng hướng tới kinh tế số, công nghệ cao.

Trong quá trình đó phải đặc biệt chú ý đến việc củng cố năng lực cho lực lượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam với nhiều trói buộc không thể lớn được trong khi về mặt cấu trúc thì độ liên kết rất kém. Điều cần làm là phải tạo được những mạch, những trục thiết kế theo chuỗi sản xuất có nhà nước, có tư nhân tham gia mà cầm cái là tập đoàn tư nhân lớn. Nhà nước cần có những trụ cột mạnh là những tập đoàn tư nhân lớn để cạnh tranh, cho họ khung chính sách, đảm bảo công khai minh bạch để giảm chi phí, còn hiện vẫn xin cho quá nhiều.

Môi trường cơ chế của Việt Nam rất năng động, lại đang trong giai đoạn chuyển đổi nên có những vấn đề đúng lúc này lại không đúng lúc khác, đúng cho tương lai nhưng có thể không phù hợp với hiện tại, nên dễ gây rủi ro, nếu hình sự hoá thì doanh nghiệp khó mạnh dạn đầu tư. Cách tiếp cận như Hàn Quốc cho các chuỗi sản xuất, cho các tập đoàn lớn là mô hình đáng học hỏi để tạo cơ cấu kinh tế mạnh.

Đầu tư nước ngoài vẫn cần phải thu hút nhưng trong nước phải mạnh, phải có “đại bàng” đứng ra hợp tác với nước ngoài, chuẩn bị về lao động, hạ tầng thì FDI mới tốt được.

Những vấn đề này Chính phủ cũng đã nhận diện được và nỗ lực tháo gỡ nhưng cũng không thể nhanh được vì còn phụ thuộc vào môi trường quốc tế. Tuy nhiên những chính sách đưa ra bắt đầu tạo cảm hứng và hành động của Chính phủ bắt đầu có tác dụng. Hy vọng đây sẽ là hiệu ứng hòn tuyết lăn từ nhỏ thành lớn, những ách tắc sẽ được gỡ dần.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang