Nga sẽ hoàn thành lò phản ứng hạt nhân đa chức năng lớn nhất thế giới vào năm 2020

author 06:10 13/09/2015

(VietQ.vn) - Mới đây, Nga đã chính thức khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh đa chức năng lớn nhất thế giới tại thành phố Dimitrovgrad; dự kiến lò sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.

Theo tờ Sputink, lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh đa chức năng (MBIR) được xây dựng trên địa bàn Trung tâm Khoa học Quốc gia LB Nga "Viện nghiên cứu lò phản ứng nguyên tử" (thuộc sự quản lý của doanh nghiệp trong tập đoàn Rosatom, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Liên bang "Công nghệ năng lượng hạt nhân thế hệ mới trong giai đoạn 2010-2015 và triển vọng đến năm 2020". 

Tại MBIR người ta sẽ tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, y học và phát triển các hệ thống hạt nhân tiên tiến. Cũng tại đây, dự kiến sẽ sản xuất các chất đồng vị khác nhau, vật liệu xây dựng và chất làm nguội.

Dự kiến lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh đa chức năng của Nga sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020

Dự kiến lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh đa chức năng của Nga sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Ảnh Sputnik

Đây sẽ là lò phản ứng có công suất lớn nhất trong số các lò phản ứng đang hoạt động trên thế giới. Công suất nhiệt của lò phản ứng mới với natri làm mát sẽ là 150 MW. Trên cơ sở MBIR, dự kiến ​​ sau này sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, báo Infonet cho hay.

Hiện nay, các lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh đang được vận hành duy nhất ở Nga (các lò phản ứng tại Nhà máy điện nguyên tử Beloyarsk). Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đang xây dựng các lò phản ứng này. Nhật Bản cũng dự kiến phát triển các lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh.

Trong khi đó, Nga vẫn đang tiếp tục hợp tác với các quốc gia Châu Á như: Việt Nam, Ấn Độ,… nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân tại các nước này. Không chỉ ký kết các hợp đồng mua bán thiết bị hay chia sẻ công nghệ cũng như kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Nga còn tham gia đào tạo đội ngũ chuyên gia thuộc các nước đối tác về năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng ở cả quy mô ngắn hạn lẫn dài hạn.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang