Ngăn chặn gần 3 tấn chân vịt và xúc xích không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

author 06:20 19/04/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa kịp thời ngăn chặn 3 tấn chân vịt, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hưởng ứng "Tháng hành động về an toàn thực phẩm" năm 2024 với Chủ đề “Cảnh giác nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ thực phẩm không nhãn mác, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ" lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc lớn vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an huyện Vân Đồn tiến hành kiểm tra cơ sở thu mua hải sản, sơ chế đóng gói thực phẩm, địa chỉ tại thôn Đông Hợp, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn do ông Phạm Văn Lâm là chủ.

Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện thu giữ 2 tấn chân vịt đang được 30 công nhân sơ chế đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. Toàn bộ số hàng trên không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch. Lực lượng QLTT đã tạm giữ số hàng trên lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Lượng lớn chân vịt, xúc xích không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Tiếp đến, ngày 16/4/2024, qua công tác nghiệp vụ, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra kho đông lạnh do bà Trần Thị Thu có địa điểm kinh doanh tại chợ Mạo Khê, thị xã Đông Triều làm chủ. Tại kho hàng lực lượng QLTT thu giữ 1.286 túi xúc xích với trọng lượng 768 kg. Số hàng trên có xuất xứ Trung Quốc, không có hoá đơn chứng từ. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên và lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định.

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay các Đội QLTT đã  tập trung kiểm tra, liên tiếp xử lý những vụ việc lớn vi phạm về an toàn thực phẩm đồng thời công khai những cơ sở vi phạm nhằm tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Vì vậy để đảm bảo an toàn, trước hết người tiêu dùng không mua, bán, tiêu thụ những thực phẩm không đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, quy trình chế biến, bảo quản theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa là thực phẩm mà không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu, thu hồi giấy phép hoạt động. Trong trường hợp sử dụng các hóa chất ngoài danh mục cho phép, hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ngộ độc thực phẩm tập thể số lượng lớn, hoặc dẫn đến tử vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot