Ngân hàng đến "vận" khó khăn nhất

author 07:06 29/03/2014

(VietQ.vn) - Hạ lãi suất, lợi nhuận thấp, nợ xấu ì ạch, nợ chéo lại đang “giẫm chân”…đây chính là thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng.

Tất cả tổ chức tín dụng  đều gặp khó

Từ tháng 5/2013 tới nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục chỉ đạo 8 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, từ mức lãi suất 15% năm xuống đến nay còn tối đa là 8%/năm.

Nói là giảm song thực tế  các ngân hàng chỉ giảm 0,5% lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn 6 tháng trở lại. Còn lại hầu hết lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên. Chính vì nguyên nhân này khiến doanh nghiệp không hào hứng vay vốn trong đợt hạ lãi suất này.

Gặp khó, lợi nhuận thấp, NH mới chỉ hạ lãi suất cho vay ngắn hạn

Theo các chuyên gia, mặc dù nợ xấu tại các ngân hàng được công bố có xu hướng ngày càng giảm nhưng các khoản lãi và phí phải thu lại tăng cao.
Điều này có thể suy luận là nợ xấu đã được cơ cấu lại thành nợ trong hạn. Tuy vậy, bản chất của nó vốn là nợ xấu, dù đã được xử lý thành nợ trong hạn thì lãi vẫn không có để thu. Chính vì vậy mà các khoản lãi bị treo rất nhiều, khiến cho doanh thu, lợi nhuận của NH giảm.

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước  nhận định: Sau thời điểm doanh nghiệp lao đao gặp khó thì bây giờ lại là thời điểm khó khăn nhất của các ngân hàng từ khi kinh tế bị khủng hoảng.

“ Sản xuất khó khăn, doanh nghiệp co lại ,khả năng đưa vốn ít, khả năng thu nợ là rất khó, nợ xấu tăng cao, làm  chi phí ngân hàng tăng nhanh, lợi nhuận giảm nên khả năng phát triển rất khó khăn. Đây là thời gian khó khăn của cả tổ chức thương mại hay tổ chức tín dụng nói chung!”, ông Kiêm phân tích.

Tìm mọi cách để cho DN vay

Trước tình hình khó khăn, bà Hà Thu Giang, Phó trưởng Phòng Tín dụng Chính sách Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: NHNNđã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn  trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Cụ thể tiếp tục cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét cơ cấu lại các khoản vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo thời hạn cho vay; xem xét miễn , giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vốn vay…

Đặc biệt, đối với khách hàng được đánh giá là trước mắt gặp khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ ngân hàng thì TCTD thực hiện cơ cấu lại thời  hạn cho khách hàng và tiếp tục cho vay mới nếu có phương án sản xuất khả thi.

Ngoài ra, NHNN đã cho phép các TCTD được tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh mà có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhằm tạo thêm kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng…

Tuy nhiên, bà Giang cũng thừa nhận các chính sách kích thích tăng trưởng tín dụng đưa ra đang vấp nhiều khó khăn.

Trước hết là khó khăn từ bản thân nền kinh tế, thị trường và từ cơ chế chính sách: “Sự suy giảm, biến động của nền kinh tế thế giới, thị trường bất động snar, thị trường chứng khoán đóng băng, hàng hóa tồn kho ứ đọng không tiêu thụ được, lợi nhuận giảm.”, bà Giang nói.

Tại nhiều địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có đóng góp cho ngân sách địa phương chiếm chưa đầy 50% trong tổng số doanh nghiệp còn hoạt động.

Một số chính sách hỗ trợ nhưbảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương chưa thực sự hiệu quả do một số quy định liên quan đến bảo đảm tiền vay.

“Thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng; hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải, dẫn đến các vụ kiện tụng tranh chấp kéo dài, làm ảnh hưởng tới xử lý nợ xấu và thu hồi vốn của ngân hàng”, bà Giang phân tích.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang