Ngành dệt may từng bước 'vượt khó', nâng cao năng suất lao động

author 09:31 29/07/2021

(VietQ.vn) - Đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã từng bước "vượt khó" khi lượng đơn hàng về ngày càng nhiều, hiệu quả kinh tế được nâng cao và bảo đảm thu nhập, việc làm ổn định cho người lao động.

Sau khoảng thời gian khủng hoảng do sự bùng phát bất ngờ của đại dịch Covid-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã từng bước "vượt khó" khi lượng đơn hàng về ngày càng nhiều, hiệu quả kinh tế được nâng cao và bảo đảm thu nhập, việc làm ổn định cho người lao động. 

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã từng bước "vượt khó" khi lượng đơn hàng về ngày càng nhiều, hiệu quả kinh tế được nâng cao. Ảnh minh họa.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng qua đạt gần 19 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, vượt cả cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19). Điều này đã chứng minh sự phục hồi sớm trên thị trường khi dự báo phải hết năm nay mới quay lại ngưỡng của năm 2019, thậm chí phải đến quý III/2022.

Cùng với ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên khi cầu và giá bán đều tăng cao. Hiệu quả trong 6 tháng đầu năm có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của hai năm 2019, 2020.

Ông Trường cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các doanh nghiệp đang phải đối diện với những rủi ro mới trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, như đã xuất hiện các ca bệnh trong doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc; các mặt hàng có thế mạnh chưa phục hồi; nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn thuộc Tập đoàn có trụ sở ở phía nam đang đứng trước nguy cơ phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp (tính đến ngày 10/7 đã có hơn 10 nghìn lao động không thể đến nhà máy); ngành sợi đóng góp lớn về hiệu quả nhưng có độ nhạy cảm cao với thị trường, vị thế kinh doanh chưa bền vững; dệt may cơ hội thị trường tốt, nhưng nếu không bảo đảm tiến độ vì nguy cơ dịch bệnh có thể giảm hiệu quả kinh tế…

Do đó, để chủ động sản xuất và đẩy mạnh hàng xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng khả năng cung ứng trong điều kiện thị trường tốt do dịch chuyển ngắn hạn về Việt Nam. Linh hoạt sử dụng cả phương thức kinh doanh bậc thấp như cắt may thuê để giảm rủi ro cung ứng nguyên liệu, vốn lưu động với mục tiêu đạt kim ngạch cao nhất có thể. Có giải pháp sử dụng năng lực sản xuất khu vực sản phẩm chưa phục hồi thị trường một cách hợp lý, duy trì nhân lực và chi phí cố định tối thiểu,...

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư sản xuất theo chuỗi, nghiên cứu và phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đã đề ra.

Đồng thời, hy vọng Nhà nước sớm khống chế được dịch bệnh, triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng cho người lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:dệt may, năng suất

tin liên quan

video hot

Về đầu trang