Ngành du lịch nỗ lực hành động để giảm phát thải khí carbon

author 09:02 29/06/2024

(VietQ.vn) - Ngành du lịch đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là ngành có phát thải nhà kính cao. Do đó, các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành có vai trò quan trọng trong giảm sự phát thải khí carbon để đạt được mục tiêu “Net Zero”.

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Để hạn chế tình trạng này các quốc gia đang nỗ lực “loại bỏ” sử dụng nhiên liệu hóa thạch, duy trì mức phát thải ròng CO2 bằng không. Đây là mục tiêu quan trọng để giảm hiệu ứng nhà kính, từ đó giảm thiệt hại do thiên tai, bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống, thoát khỏi nhóm quốc qua có thu nhập thấp (cuối năm 2023 mới đạt 4.284 USD/người). Khi thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu sử dụng năng lượng, nhiên liệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đều tăng cao, làm tăng nhanh lượng khí thải CO2. Đây được coi là nguyên nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính CO2, sử dụng năng lượng tái tạo là biện pháp cho vấn đề này. Ngoài ra, cùng với tăng trưởng, quá trình đô thị hóa nhanh cũng là nguyên nhân làm tăng khí thải CO2.

Ngành du lịch ở Việt Nam có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ngành du lịch được dự báo có mức phát thải CO2 đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay. Do đó, vai trò quan trọng của các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành trong việc ngăn chặn và đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. Theo đó, doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt để thực hiện các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên; đồng thời, thông qua giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí carbon để đạt được mục tiêu “Net Zero”.

 Ngành du lịch đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Theo đó, các địa phương với những điểm đến du lịch đều nhận định và hướng tới cung cấp hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nhưng vẫn có thể duy trì được việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, các di sản, công trình có ý nghĩa về du lịch để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai. Tiêu biểu như tại Hội An (Quảng Nam) từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9/2003. Thành phố di sản đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.

Gần đây, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... 

Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành đã hưởng ứng xu hướng bền vững bằng một số “tour xanh” như: tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa; tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai...

Liên quan đến vận tải du lịch, tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu cho biết: “Khi đưa ra sản phẩm vận chuyển xanh, SM nhận được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng. Từ đó giúp doanh nghiệp tiên phong đi đầu khi chúng tôi được hưởng lợi nếu có thể tạo dựng thương hiệu và đón nhận làn sóng khách hàng ưa chuộng xu hướng này”.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 trở đi, GSM giảm 400 triệu kg CO2 mỗi năm nhờ sở hữu 30 - 40 nghìn xe taxi điện, vài chục nghìn xe máy điện...

Hội An đã có hơn 10 năm tiếp cận, thực hành các giải pháp liên quan đến việc phân loại rác tại nguồn, giảm phát thải, tái chế, tuần hoàn. Trong nông nghiệp, địa phương này đã hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi dần phương thức từ sản xuất thông thường sang sản xuất sạch hơn, đặc biệt là sản xuất theo quy trình organic.

Trong đó nổi bật có Nhà hàng The Field-  đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Gold Platinum Low - Carbon Tourism Standard (tiêu chuẩn vàng bạch kim về giảm khí thải carbon) - một danh hiệu do Quỹ Quản lý Môi trường Thái Lan và Công ty Magnus International cấp chứng nhận.

Tiêu chí chứng nhận được trao là các khách sạn, nhà hàng có hoạt động kinh doanh bền vững, xem xét tác động môi trường và cam kết giảm phát thải khí nhà kính. The Field đã đảm bảo các tiêu chuẩn giảm phát thải carbon từ hoạt động nhỏ nhất, quản lý rác thải của toàn bộ bộ phận và nhà hàng; đào tạo - tập huấn về quản lý rác thải; triển khai các sáng kiến làm giảm thiểu rác thải và quản lý năng lượng; có các hoạt động triển khai trách nhiệm với cộng đồng về môi trường và sinh kế.

Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính và báo cáo phát thải

Sự nóng lên toàn cầu đang gia tăng đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO2. Điều này áp dụng cho các công ty thuộc mọi quy mô và ngành nghề. Tiêu chuẩn ISO 14064 nói chung và ISO 14064-1:2018 nói riêng là tiêu chuẩn được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế xây dựng và ban hành cung cấp khuôn khổ cho các doanh nghiệp/tổ chức để xác định, đo lường, báo cáo và xác minh lượng khí nhà kính phát thải và loại bỏ.

Tiêu chuẩn ISO 14064 giúp ghi lại lượng phát thải khí nhà kính của công ty mình theo cách có cấu trúc và hoạt động cụ thể để giảm lượng khí thải carbon. Nó cung cấp khuôn khổ cho việc tính toán khí nhà kính và việc xác minh nó. Tiêu chuẩn này còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc hình thành nền kinh tế carbon thấp, đồng thời mang lại lợi ích cho các tổ chức, cá nhân đề xuất dự án khí nhà kính và các bên quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang