Ngành thủy sản triển khai giải pháp tăng giá trị, giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng

author 06:39 23/03/2022

(VietQ.vn) - Trong năm 2022, ngành thủy sản duy trì ổn định tổng sản lượng, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Ngày 22/3/2022, tại thành phố Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022”. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của 28 tỉnh thành có biển trong cả nước.

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt kết quả khả quan

Năm 2021 là năm đầy khó khăn do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị gãy khúc, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao phục vụ nhà hàng giảm sâu; cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) chưa được tháo dỡ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.

 Nuôi cá lồng bè tại Quảng Ninh. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó là những khó khăn về giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản… Tuy nhiên, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 vẫn tăng so với 2020, xuất khẩu đạt kết quả khả quan.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,886 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020. Trong đó, khai thác biển 3,691 triệu tấn (tăng 1%), khai thác nội địa 196 nghìn tấn (tăng 0,2%); giá trị xuất khẩu đạt 8,899 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh như: Nhuyễn thể có vỏ, cá ngừ; mực bạch tuộc...

Sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng xuất khẩu chính trong nhóm tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2021 gồm: Cá biển thủy sản khác (49,8%), cá ngừ (22,35%), nhuyễn thể (17,9%)...

Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản đạt 566,7 nghìn tấn, tăng 0,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,508 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hải sản đạt 0,573 tỷ USD chiếm tỷ trọng 38% tăng 51%. Các loài hải sản có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là cá ngừ, mực, bạch tuộc; cua ghẹ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản gần 3,1% so với năm 2020.

Đạt được kết quả trên, theo Tổng cục Thủy sản là nhờ Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho việc khai thác chế biến và tiêu thụ hải sản như công bố danh sách 77 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mở 65 cảng cá; chỉ định 49 cảng cá đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác…

Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển với 354 cơ sở sản xuất nước đá; 640 kho lạnh sản phẩm hải sản với tổng sức chứa khoảng 78,7 nghìn tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46 nghìn tấn; 9 nhà phân loại hải sản, đảm bảo phân loại 240 tấn sản phẩm/ngày; trên 1,1 nghìn cơ sở nậu vựa, thu mua, kinh doanh hải sản.

Nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại, giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, giá bán cao.

Đến hết tháng 2/2022, cả nước có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 17,7 nghìn đoàn viên và trên 6,2 nghìn tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên; trên 4,2 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của gần 29,6 nghìn tàu cá...

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, năng lực khai thác thủy sản dù đã được cắt giảm theo lộ trình nhưng cường lực khai thác vẫn ở mức cao, sản lượng khai thác tăng, vượt quá khả năng tái tạo lại nguồn lợi; năng suất lao động thấp, giá thành cao; tổn thất sau thu hoạch còn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lực.

Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị VMS. Ngoài ra, vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Gia tăng giá trị, phát triển bền vững khai thác thủy hải sản

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022 sẽ có nhiều yếu tố tác động đến hoạt động khai thác, chế biến thủy sản như an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; dịch bệnh Covid vẫn còn kéo dài...

Trong bối cảnh đó, ngành thủy sản đặt mục tiêu cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. 

Theo đó, ngành thủy sản đặt mục tiêu khai thác khoảng 8,7 triệu tấn (99,9% so với năm 2021). Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn (97,1% năm 2021); sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn (102,2% năm 2021); kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,7 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đặc biệt là việc duy trì kết nối trong suốt thời gian tàu hoạt động; tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng; tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ việc đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, nghề một cách hợp lý và bền vững. Ngoài ra, việc quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển; quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được tiếp tục đẩy mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề về tình hình xuất khẩu hải sản, đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác hải sản, các vấn đề về ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản… đồng thời đưa ra các giải pháp cho năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải nghiên cứu cơ cấu lại đội tàu, phấn đấu giảm đội tàu khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đồng thời rà soát lại cơ cấu nghề, sớm xây dựng đề án chuyển đổi nghề; tiếp tục điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, quản lý tàu cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển.

Từ nay đến năm 2030, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, thúc đẩy phát triển thủy sản. Để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, thời gian tới, các đơn vị, các địa phương có biển cần tăng cường thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt là các khuyến nghị của EC- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang