Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022

author 07:25 12/03/2022

(VietQ.vn) - Ngành tôm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% và vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2022.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 diễn ra ngày 11/3/2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước.

Cần giải pháp căn cơ vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có ngành tôm phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng đại dịch COVID-19 để lại nhiều thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước; tuy nhiên ngành tôm vẫn đạt kết quả khá tốt.

Ngành tôm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng phấn đấu vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2022 

Cụ thể, sản lượng tôm nuôi năm 2021 các loại đạt 970 ngàn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020. Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu tôm thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Ecuador. Trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành sản xuất nuôi tôm của nước ta vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Điểm yếu nhất đối với ngành tôm hiện nay là chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản, nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch.

Năm 2021, tổng nhu cầu tôm bố mẹ là trên 281.800 con, tuy nhiên, có đến trên 240.800 con tôm bố mẹ từ nguồn nhập khẩu và chỉ có 41.000 con tôm bố mẹ được sản xuất trong nước (gồm 21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú).

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao. Cộng thêm hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra còn vấn đề ô nhiễm môi trường, thú y và con giống.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu như chúng ta không có bước giải quyết một cách căn cơ, kể cả trước mắt và lâu dài, những vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vấn đề thú y thì chắc chắn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022

Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha; trong đó, tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% và vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2022.

Riêng 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các sản phẩm thuộc ngành thuỷ sản.

Năm 2022, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, phân tích những thách thức, Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh... để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp như tập trung tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; Xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh, thị trường.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản...

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang