Nghệ An: Liên tục thu giữ và tiêu hủy nhiều đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc

author 05:58 20/09/2023

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Vinh (Nghệ An) đang bày bán 5.336 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận hợp quy và cảnh bảo an toàn theo quy định...

Vừa qua, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Nghệ An) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An), kiểm tra cơ sở kinh doanh, do bà Đặng Thị Giang làm chủ (địa chỉ đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, Nghệ An).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 5.336 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận hợp quy và cảnh bảo an toàn theo quy định.

 Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn đồ chơi không rõ nguồn gốc

Đội QLTT số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh trên; đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng trên với tổng giá trị thu phạt bị tiêu hủy gần 40 triệu đồng.

Trước đó, ngày 17/9/2023, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Nghệ An) phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu - Phòng Cảnh sát giao thông (Công An tỉnh Nghệ An) kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát: 37H-039.46, do ông Võ Văn Thịnh (địa chỉ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển.

Đoàn kiểm tra phát hiện phương tiện đang vận chuyển 1.800 đồ chơi trẻ em (súng nhựa) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Đội QLTT số 1 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Văn Thịnh và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm; tổng trị giá thu phạt 25.800.000 đồng.

Vào ngày 14/9, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra và xử lý 2 cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn TP. Vinh. Tổng trị giá thu phạt, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, gần 35 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Cục QLTT Nghệ An tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chú trọng kiểm tra hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc; qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Theo cảnh báo của các chuyên gia về sức khoẻ, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Không chỉ vậy, một số trẻ nhỏ có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên căn bệnh về đường ruột, ho lao, viêm phổi. Bởi vậy, người mua hàng càng nên lựa chọn kỹ lưỡng hơn khi mua đồ chơi cho trẻ em. Nên lựa chọn những mặt hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn đầy đủ...

QCVN 3:2019/BKHCN- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em 

Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại

Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em

Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 

Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi

Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg.

 Phtalat trong đồ chơi trẻ em

Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Amin thơm trong đồ chơi trẻ em

Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định.

Quy định về hàm lượng các amin thơm áp dụng đối với các loại vật liệu đồ chơi và bộ phận của đồ chơi được nêu trong Bảng 2.

Yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện

Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

Yêu cầu ghi nhãn

Đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang