Nghiên cứu KH&CN phải gắn với thực tiễn phong phú và đòi hỏi của cuộc sống

author 06:12 15/07/2021

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, nghiên cứu KH&CN phải gắn với thực tiễn phong phú và đòi hỏi của cuộc sống. Các công trình KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn phong phú của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước.

Nhiều kết quả quan trọng

Uỷ ban Dân tộc và Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình CTDT/16-20 bắt đầu triển khai từ năm 2015 với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến nay, đã có tổng số 51 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 là 176,1 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó: Thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý KH&CN, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đã có tổng số 205 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia; 72 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 23 bài báo khoa học nằm trong danh mục ISI, SCOPUS; xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo cho trên 80 nghiên cứu sinh và 150 thạc sĩ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như trong nội dung báo cáo gửi tới các vị đại biểu.

Theo đó, Chương trình đã tập trung giải quyết tốt một số mục tiêu cụ thể như cung cấp đầy đủ các luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc và đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức quản lý được thực hiện chặt chẽ, bài bản, đúng mục đích và đáp ứng tốt các quy định của pháp luật. Các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình có giá trị lý luận, thực tiễn và đã đề xuất được phương hướng và các giải pháp đổi mới chính sách dân tộc toàn diện nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc thời gian qua.

Cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và các chính sách dân tộc phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện chính sách cho giai đoạn tiếp theo, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong cả nước mà nòng cốt là đội ngũ các nhà lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Theo ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) tập trung vào giải quyết 3 mục tiêu cụ thể là: Cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm phát triển bền vững đối với các DTTS ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, nhầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Nhìn chung chương trình đã được Ủy ban Dân tộc triển khai đúng quy định của Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bám sát khung chương trình đã được phê duyệt. Chương trình đã có tổng số 51 nhiệm vụ. Công tác quản lý nhiệm vụ (phê duyệt đặt hàng; thông báo tuyển chọn, giao trực tiếp; mở hồ sơ; tổ chức tuyển chọn, giao trực tiếp; phê duyệt danh mục; tổ chức ký, thanh lý hợp đồng…) được thực hiện theo quy định của pháp luật; bám sát nội dung khoa học được phê duyệt tại khung chương trình. Các chỉ tiêu sản phẩm của chương trình đều bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt tại Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng đánh giá cao sự thành công chương trình với rất nhiều chỉ tiêu và kết quả cụ thể đã đạt được, đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ triển khai kịp thời phục vụ cho chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ, giai đoạn 2021-2030.

Đề xuất Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn II

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, để triển khai tốt Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 ngày 15/02/2020 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đang tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng, đề xuất Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn II (2021-2025) để triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực công tác dân tộc, nhất là hoạt động KH&CN nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, các nhà quản lý và nhà khoa học đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình, từ đó cung cấp cho Đảng, Nhà nước một ngân hàng dữ liệu đồ sộ, có giá trị khoa học và thực tiễn, làm cơ sở cho việc đổi mới hoạch định và thực thi chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay.

PGS. TS Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cả Chương trình và từng đề tài đã đề xuất và kiến nghị các cấp với nhiều góc độ, soi sáng cho cách nhìn vấn đề để có giải pháp cho giải quyết các vấn đề dân tộc; nhận diện các vấn đề nổi lên ở các địa bàn như đa tộc người để giải quyết kịp thời; kết quả của đề tài là nguồn học liệu có giá trị đối với công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về công tác dân tộc; thu hút được đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có uy tín; có nhiều công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí nước ngoài, quảng bá thành tựu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; qua đó đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa về công tác dân tộc theo chiều sâu, hướng trọng tâm vào nghiên cứu chính sách và lý luận trong bối cảnh công tác dân tộc hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng và tác động bởi chính sách của các nước lớn…

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng, cần coi đây là đầu mối nghiên cứu chuyên sâu về công tác dân tộc, tránh trùng lắp trong nghiên cứu, cạn nguồn nghiên cứu nhưng cách quản lý phải giao đúng nơi, đúng việc, đúng vấn đề nghiên cứu, chuyển hoá nghiên cứu và thực tiễn đời sống xã hội và nhân dân, thể chế thành những kết luận, chỉ thị, chủ trương, đường lối và có tổng kết, đánh giá cụ thể, chọn ra và phân loại những đề tài cần thiết và cấp bách để ứng dụng thực tế.

Xã hội hoá cơ sở dữ liệu nguồn nghiên cứu này để có luận cứ, cơ sở khoa học thuyết phục phản bác lại các luận điệu xuyên tạc và ý đồ xấu xa của thế lực thù địch về công tác dân tộc của đất nước; kết thúc của chương trình nghiên cứu vào việc xây dựng kế hoạch của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành kịp thời đưa vào các chương trình để hoạch định chính sách cho kịp thời.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025 ngày 14/7. Ảnh: VGP 

Thúc đẩy nghiên cứu KH&CCN, khởi nghiệp sáng tạo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của UBDT, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý cũng như sự tâm huyết và đầy trách nhiệm của các tổ chức, nhà khoa học tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học của Chương trình. Thành tích này sẽ là cơ sở, là tiền đề để hướng đến thực hiện Chương trình thành công hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, đây là vấn đề lớn, quan trọng góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết số 88/NQ-QH14 của Quốc hội về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội.

“Việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là vấn đề chiến lược, sống còn, chìa khóa đi đến thành công. Bác Hồ luôn nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt, trên cơ sở “đoàn kết, bình đẳng, tương trợ” trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau không ban phát mà đầu tư để nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, cùng tiến bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Muốn vậy, chúng ta phải đào tạo nguồn lực tri thức trẻ, doanh nghiệp trẻ, sáng tạo và khởi nghiệp, ứng dụng KH&CN, đồng bào có kỹ năng, phương thức làm ăn mới hiệu quả để cùng các chính sách quan trọng và toàn diện của Đảng và Nhà nước nhằm đưa đồng bào dân tộc và miền núi từng bước tiến kịp miền xuôi, đời sống ngày càng ấm no, quốc phòng an ninh được giữ vững, biên giới trở thành khu vực hòa bình, phát triển, chủ quyền quốc gia luôn được bảo đảm…

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Qua thực tế làm việc tại các địa phương cho thấy, nhiều địa phương như Sơn La, đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống như trồng nhiều loại cây cho năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi đồng bào các dân tộc vẫn còn tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện thích nghi với khoa học kỹ thuật hiện đại và còn rất ít số lượng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của mình.

“Chúng ta cứ nói kinh tế số, dữ liệu số, ngân hàng số… đều rất chung chung với đồng bào. Phải biến những điều này đi vào thực tế cuộc sống của đồng bào, biến thành hiệu quả và tác dụng tích cực trong cuộc sống, lúc ấy bà con mới thấy rõ tác động của KH&CN đối với đời sống. Như thế, chính sách và các nghiên cứu KH&CN mới thực sự đi vào đời sống”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, nghiên cứu KH&CN phải gắn với thực tiễn phong phú và đòi hỏi của cuộc sống. Theo đó, các công trình KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn phong phú của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước, có như vậy mới đi vào cuộc sống, phát huy tích cực các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.

Để Chương trình KH&CN giai đoạn 2021-2025 thực sự có hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, Chương trình cần phải bám sát và triển khai có hiệu quả các nội dung có liên quan tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nội dung về công tác KH&CN, chương trình dân tộc (CTDT), Kết luận số 65KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và 120/2020/QH14 của Quốc hội…;

Chương trình cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu, thiết thực; thực hiện cơ chế vừa chuyển giao kết quả cho các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan, để kịp thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CTDT; cần tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Ủy dân Dân tộc, Bộ KH&CN, các ban, bộ ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chương trình này, đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần này trong giai đoạn 2021-2025 và xin lưu ý một số vấn đề lớn.

Một là, bám sát và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, nghiên cứu KH&CN được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 65KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá IX về CTDT trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Hai là, Chương trình cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu, thiết thực với trọng tâm là: Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được nghiên cứu, giải quyết triệt để trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước đó; trong đó chú trọng vào một số nội dung có tính căn cơ, khung lý thuyết như cơ sở lý luận, thực tiễn về nguồn gốc hình thành, phát triển và tiêu chí xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam; tầm quan trọng, vai trò và công tác hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Nghiên cứu các mô hình thí điểm tại một số địa bàn mẫu để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dân tộc thiểu số và từng vùng, miền.

Chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số và vùng miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng trên nguyên tắc: "Lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng, phát triển KT-XH, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu, KH&CN là giải pháp".

Có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường và tiềm năng của đồng bào dân tộc thiểu số trong nghiên cứu KH&CN, phát minh, tự làm giàu cho bản thân, gia đình, thôn bản và xã hội. Nhất là trong thanh niên, tri thức trẻ gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, hỗ trợ sinh kế, xóa đói giảm nghèo, làm ăn bền vững, thúc đẩy khởi nghiệp các doanh nghiệp và doanh nhân làm hạt nhân trong đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và cơ quan có liên quan để chuyển giao các kết quả nghiên cứu, làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện thành công, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc.

Bốn là, có các giải pháp linh hoạt trong huy động nguồn lực, liên hệ, đặt hàng các viện, trung tâm nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang