Truyền thông khoa học công nghệ góp phần khơi dậy khát vọng sáng tạo

author 08:51 03/07/2021

(VietQ.vn) - Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trở thành sức mạnh và góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; trở thành cầu nối hữu dụng, đưa tri thức và tiến bộ KHCN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống. Đồng thời, khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KHCN đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KHCN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong nhiều qua, Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng KHCN, đồng thời tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với KHCN&ĐMST. Một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thì công tác truyền thông KHCN đóng vai trò hết sức quan trọng.

Công tác truyền thông KHCN&ĐMST đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Truyền thông luôn giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các kênh truyền thông, nhiều thông tin về vai trò, vị trí, đóng góp của KHCN&ĐMST để công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Truyền thông góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động; đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KHCN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.

Mới đây tại buổi làm việc với Bộ KHCN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng mà ngành KHCN cần thực hiện, đó là KHCN cần thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình; quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KHCN trong và ngoài nước; việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN phải hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KHCN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học...

Nhận thấy sự cấp thiết của hoạt động truyền thông KHCN, Bộ KHCN đã sớm có chủ trương phát triển hoạt động này. Các nghiên cứu bài bản, các chương trình hợp tác về truyền thông KHCN được chú trọng triển khai hiệu quả. Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về KHCN&ĐMST có nhiều đổi mới, được triển khai với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực qua nhiều hình thức phong phú, sinh động, đóng góp quan trọng vào những kết quả đạt được của Bộ và của ngành KHCN; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về KHCN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KHCN trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời cung cấp thông tin KHCN phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu, triển khai, sản xuất và đời sống... làm cơ sở đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KHCN&ĐMST; phát hiện, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, mô hình hiệu quả, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực KHCN...

Các phóng viên là những chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống “đại dịch thông tin". Ảnh: Q.Dũng 

Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, nhưng ngành KHCN đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước. Nổi bật là: Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp là dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng; Khoa học cơ bản đạt được một số thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%.

Khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét, tiêu biểu mới đây là những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn và được bán tại Châu Âu, vaccine phòng COVID-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; KHCN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong công nghiệp, đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập, năm 2020 đứng thứ 42/131 quốc gia.

Thời gian gần đây, nguồn lực tài chính xã hội đầu tư cho KHCN tăng mạnh, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực với tỉ lệ 52% và 48%. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020... Các kết quả nói trên của ngành KHCN đã được các cơ quan thông tấn báo chí lan tỏa trong xã hội, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành KHCN trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, truyền cảm hứng cho cộng đồng các nhà quản lý, nhà khoa học và thế hệ trẻ.

Báo chí đồng hành cùng khoa học và công nghệ

Báo chí, truyền thông viết về KHCN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng về nghiệp vụ mà còn phải có khả năng tổng hợp cao, có niềm đam mê, nhiệt huyết. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,... phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KHCN. Đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân.

Trong những năm vừa qua, lực lượng các nhà khoa học Việt Nam luôn tự hào có sự sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KHCN, truyền tải những nội dung vốn rất “khô cứng” đến đông đảo bạn đọc. Nhiều thành tựu nghiên cứu cũng được truyền thông rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KHCN.

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ KHCN đã quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo với khát vọng phát triển để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện thành công sứ mệnh ấy có sự đóng góp không nhỏ của các nhà báo, những người truyền lửa đến bạn đọc.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN – ông Huỳnh Thành Đạt, tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Thông điệp này cũng nhắc nhở công tác truyền thông về KHCN, cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ khoa học và công nghệ đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững.

Đánh giá về hoạt động truyền thông KHCN trong những năm vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - ông Hồ Quang Lợi cho rằng, công tác truyền thông KHCN đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KHCN đã góp phần truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trong khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KHCN. Đặc biệt, công tác truyền thông KHCN đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.

Theo Lao động 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang