Người dùng cần trang bị cho mình kỹ năng số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng

author 06:19 15/10/2023

(VietQ.vn) - Để hạn chế tình trạng tin giả, tin sai sự thật, mỗi người cần được trang bị được vaccine bộ lọc tức là kỹ năng số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Hiện nay, các nền tảng trực tuyến như: TikTok, Youtube, Instagram... đang thu hút ngày càng nhiều người sử dụng từ thành thị đến nông thôn, mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề. Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà các nền tảng trực tuyến đem lại như: Mở mang tri thức, kết nối bạn bè, phát triển thương mại dịch vụ, phục vụ nhu cầu giải trí, quảng bá văn hóa, du lịch… Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. Song, môi trường mạng cũng tồn tại nhiều rủi ro, nguy cơ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một bộ phận người dùng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, câu view, câu like nhằm mục đích cá nhân, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó là tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân, lôi kéo người xem để kiếm tiền. Những luồng thông tin xấu, độc, bịa đặt khiến dư luận hoang mang, làm tổn hại danh dự, uy tín cơ quan, tổ chức, nghiêm trọng hơn là xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mới đây, Công an Thành phố Cao Bằng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Cao Bằng tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H.T.C., sinh năm 1970, trú tại tổ 10, phường Sông Hiến (Thành phố) có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”. Trước đó, ngày 17/7/2023, Công an Thành phố nhận được đơn phản ánh của 1 người dân trú tại tổ 4, phường Duyệt Trung (Thành phố) về việc tài khoản MXH zalo nhận được tin nhắn từ zalo có tên “C” được đăng ký bằng số điện thoại 0974...361, nội dung đính kèm 1 đường link video trên MXH Youtube do đối tượng phản động Trương Quốc Huy nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm lãnh tụ. Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, lực lượng chức năng đã điều tra, xác minh chủ thuê bao số điện thoại 0974...361 là của bà H.T.C. Căn cứ hành vi, mức độ vi phạm, bà H.T.C chịu mức phạt 7,5 triệu đồng.

Trường hợp nói trên là bài học cho mỗi công dân khi tham gia MXH cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Có hành vi ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Tỉnh táo tiếp nhận, sàng lọc nguồn tin; nếu nhận thấy có thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, nội dung, luận điệu vu khống, xuyên tạc… cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị cho mình kỹ năng công nghệ thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để ngăn chặn các thông tin sai đó lan truyền dễ dàng.

Để hạn chế tình trạng tin giả, tin sai sự thật, mỗi người cần được trang bị được vaccine bộ lọc tức là kỹ năng số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, trước đây, tin giả phát tán bằng cách truyền miệng, phát tờ rơi... với mức độ lan tỏa thấp. Từ khi có sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội thì tin giả, tin sai sự thật có thể được lan truyền tới hàng triệu người chỉ trong vài giây. Ông lấy ví dụ về chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với rất nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên Facebook, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Trong nước, năm 2021 cao điểm dịch bệnh, các tin giả liên quan đến Covid-19 khiến nhiều người đổ xô đi gom hàng, di chuyển khỏi nơi ở làm cho tình trạng lây lan bệnh càng nghiêm trọng.

Ngày nay, công nghệ AI ngày càng có những bước tiến triển vượt bậc, không chỉ hỗ trợ livestream bán hàng, mà còn có thể giao tiếp trực tuyến khiến nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt thật, giả. Thậm chí, nhiều đối tượng dùng AI cắt ghép lồng gương mặt người nổi tiếng vào phim... ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. "Nếu mỗi cá nhân nhận thức việc cần thiết phải chống tin giả thì sẽ nhiều người không phải đối diện với thực trạng trên", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh. Đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng không thể phủ nhận vai trò của Internet và smartphone rút ngắn khoảng cách về không gian địa lý. Song đây cũng là vấn đề khi một thông tin sai lệch phát tán lên mạng xã hội có thể tiếp cận hàng triệu người chỉ trong vài phút. "Nhiều người thản nhiên chia sẻ thông tin mà không biết có thể gây hậu quả khôn lường. Vì vậy chúng ta phải thay đổi cách tiếp nhận thông tin trong cuộc sống cũng như trên mạng để xã hội tốt đẹp hơn", ông Thanh nói.

YouTube, mạng xã hội video hàng đầu thế giới, cũng là nơi bùng phát nhiều tin giả, xấu độc, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài nhắm tới người dùng Việt. Trên website của mình, YouTube khẳng định nội dung xấu "chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ" với tỷ lệ lượt xem chiếm khoảng 0,16-0,18%. Nền tảng Google cho biết họ xử lý thông tin sai lệch theo bốn nguyên tắc, gồm: gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách, giảm nội dung đề xuất gần ranh giới vi phạm chính sách, ưu tiên nguồn đáng tin cậy, đồng thời khen thưởng các nhà sáng tạo uy tín.

TikTok ra đời muộn hơn và mới xuất hiện chính thức ở Việt Nam từ năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là mạng xã hội xuyên biên giới lớn đầu tiên có văn phòng trong nước. Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, việc quản lý nội dung được thực hiện theo tiêu chuẩn cộng đồng, được xây dựng từ năm 2018 và cập nhật liên tục. Ngoài việc xác định tin giả theo báo cáo của người dùng, nền tảng "đẩy mạnh mối liên hệ giữa công nghệ kiểm duyệt tự động và đội ngũ kiểm duyệt có chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác đối với các nội dung". Những thông tin vi phạm, trong đó có thông tin sai lệch, bị gỡ bỏ hoặc giảm tiếp cận người dùng. Ngoài ra, ứng dụng cũng được trang bị tính năng giới hạn thời gian sử dụng, kết nối gia đình để cha mẹ quản lý con cái.

Tạo "bộ lọc tin giả" cho người dùng

Đại diện các nền tảng đều khẳng định đã có những những tiêu chuẩn cộng đồng cùng giải pháp phát hiện, ngăn chặn tin giả, nhưng thừa nhận vấn nạn chưa thể được xử lý triệt để. Thậm chí với sự xuất hiện của những công nghệ mới như AI tạo sinh, deepfake, chúng còn trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Khuyến khích các công nghệ mới song song với việc ngăn chặn mặt trái, ông Lê Quang Tự Do đánh giá "đây là cuộc rượt đuổi không có hồi kết". Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng mấu chốt trong cuộc chiến chống tin giả nằm ở ý thức người dùng. "Mỗi người có 'sức đề kháng' và 'bộ lọc' thì sẽ tốt hơn rất nhiều cách của cơ quan quản lý. Nếu mỗi chúng ta có một sức đề kháng fake news, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều trong những tình huống bất ngờ nhất", ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, nói nền tảng đã có đầy đủ quy định cũng như các tính năng hỗ trợ. "Việc nâng cao kỹ năng số để có bộ lọc tin giả ở tất cả người dùng là mục tiêu quan trọng nhất", ông nói. "Trách nhiệm của nền tảng là đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng số, để người dùng biết và sử dụng". Đặc tính của một nền tảng UGC (User-Generated Content) là người dùng có thể tự tạo nội dung, đồng thời tiêu thụ, lan truyền nội dung đó. Với tin giả, mức độ lan truyền có thể nghiêm trọng hơn nếu chúng được phát đi từ những người có lượng theo dõi và mức độ ảnh hưởng lớn (Influencer). Ở hướng ngược lại, nếu những Influencer này được khuyến khích tạo ra nội dung hữu ích và lan tỏa đến cộng đồng sẽ giúp toàn bộ người dùng có thể nâng cao nhận thức về tin giả. 

Khánh Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang