Người dùng Facebook, TikTok, Youtube… tại Việt Nam sẽ được định danh như thế nào
Sẽ kiểm tra TikTok với 8 vấn đề chính
TikTok bị tố cáo theo dõi người dùng xem các nội dung về LGBT
Các quốc gia bảo vệ trẻ em khỏi nội dung tiêu cực trên nền tảng TikTok như thế nào?
Cần thực hiện định danh để tạo ra môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh
Theo dự thảo, mạng xã hội chịu trách nhiệm định danh người dùng. Ngoài ra, họ phải quản lý nội dung livestream, gỡ bỏ ngay trong vòng ba giờ khi có yêu cầu. Trong trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu, người dùng cần đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực tế những năm qua, một số mạng xã hội phổ biến cũng yêu cầu xác minh danh tính với một số nhóm tài khoản. Từ 2014, người dùng Facebook ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam, phải sử dụng tên thật. Quy định này sau đó được nới lỏng. Tuy nhiên, khi có vấn đề liên quan tới tài khoản, người dùng sẽ phải gửi thông tin cá nhân, như ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho mạng xã hội xét duyệt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, việc quản lý và định danh tài khoản số sẽ giúp các quy định pháp luật được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh - Trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM, cho rằng đời sống trên mạng là một phần tất yếu của đời sống xã hội hiện đại. Thời gian qua, trên mạng xã hội đã chứng kiến nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn như: giải quyết mâu thuẫn, nói xấu, vu vạ, bôi nhọ, bắt nạt, tấn công nhau... Những người chủ tài khoản mạng xã hội có thể chính danh hoặc không chính danh nhưng hành vi nói xấu, bôi nhọ vẫn gây ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ cho cá nhân, tổ chức bị nhắc đến. Chưa kể đến những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng khi sử dụng mạng xã hội mà có ứng xử lệch chuẩn thì gây thiệt hại lớn hơn, cho nhiều đối tượng hơn. Vì vậy, việc định danh tài khoản mạng xã hội có ý nghĩa, hợp lý trong việc tác động đến tâm lý của người sử dụng mạng. Họ sẽ chấm dứt tâm lý chủ quan rằng mạng xã hội chỉ là ảo, thay vào đó tiết chế hơn trước khi đặt tay lên bàn phím để phát ngôn, nói xấu, tung tin thất thiệt, tấn công... cá nhân, tổ chức khác. Người dùng mạng cũng sẽ cân nhắc khi chia sẻ, truyền đưa các thông tin, hình ảnh thiếu kiểm chứng, sai trái, vi phạm đạo đức, tiêu chuẩn chung. Từ đó việc định danh tài khoản mạng sẽ hạn chế các ứng xử lệch chuẩn trên mạng và lâu dần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương thời gian tới tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh. Ảnh minh họa
Sẽ phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng tên thật, số điện thoại
Trong nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Thời gian tới, bộ sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là TikTok. Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam (siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu, chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người dùng…).
Bộ xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (TikTok), dự kiến thực hiện vào tháng 5-2023. Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới. Duy trì tỉ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao (93%). Tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới; thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam. Một nội dung quan trọng khác cũng được bộ quan tâm là nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét các hành vi vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới. Ngoài ra, sẽ tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, những người có sức ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật. Ngày 30-12-2022, bộ đã có tờ trình Chính phủ về việc xin ý kiến về xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Trong đó có bổ sung các quy định như:
- Yêu cầu các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
- Chỉ các tài khoản đã được định danh (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream.
- Chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm về việc định danh người dùng, quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ ngay trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu.
- Các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Dự thảo cũng bổ sung thêm các quy định khuyến khích phát triển mạng xã hội trong nước; quy định về chặn, gỡ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của bộ… Sau khi được sự nhất trí của Chính phủ, bộ đang phối hợp xây dựng và hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý 2-2023.
Thách thức khi định danh tài khoản
Do các nền tảng hoạt động xuyên biên giới, việc áp dụng sẽ gặp thách thức về nếu không phải là một tiêu chuẩn được thừa nhận trên toàn cầu. Thông qua công cụ thay đổi vị trí, người dùng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ở quốc gia khác để sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng nhu cầu ẩn danh để trao đổi, tương tác với người khác "là một nhu cầu thực của con người, có từ trước khi mạng Internet phát triển". Có những tính năng, thậm chí là loại hình, dịch vụ được thiết kế để phục vụ nhu cầu này của con người. "Việc xóa bỏ tính ẩn danh vô cùng khó và đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ cho đến người dùng", ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, đánh giá.
Nhiều nền tảng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, ví dụ tài khoản Facebook được lập thông qua email của Google. Một số ứng dụng OTT, mạng xã hội sử dụng số điện thoại. Tuy nhiên, hiện nay sim không chính chủ vẫn tồn tại. Với thực trạng này, chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu, tính định danh sẽ bị phá vỡ. Vì vậy, quy trình này đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất cao của các bên. Xác minh danh tính đồng nghĩa người dùng phải gửi thông tin cho mạng xã hội, như CCCD, số điện thoại. Theo các chuyên gia an toàn thông tin, việc này có thể phát sinh nguy cơ lộ lọt dữ liệu người dùng. "Trước đây đã có nhiều vụ lộ thông tin người dùng từ các mạng xã hội. Nếu không yêu cầu định danh, một số người có thể chọn tên ảo, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân", ông Sơn cho hay.
Khánh Mai (t/h)