Người ghép lại câu chuyện đời thường Hà Nội

author 11:11 29/08/2012

(VietQ.vn) - Khi “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”, Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã chọn cho mình hướng đi bình yên nhưng cũng không kém phần trăn trở về đời sống đô thị Hà thành xưa và nay.

Cuốn sách Đi dọc Hà Nội của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến.
Cuốn sách Đi dọc Hà Nội của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến.

Tại sao Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lại chọn tiêu đề cho 2 cuốn sách của mình là “Đi ngang Hà Nội và” “Đi dọc Hà Nội”?

Khi đặt tên sách “Đi ngang Hà Nội”, tôi đã giải thích rằng: khi mình sinh ra Hà Nội đã có rồi. Cả cuộc đời tôi chỉ là một lần đi ngang thôi. tôi thấy cái tên ấy cũng có lý. Mọi người cũng bàn tán, đã có “đi ngang” rồi, tại sao không có “đi dọc”. Và thế là cuốn sách “Đi dọc HàNội” ra đời. 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh Hà Ni
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh Hà Ni

Thưa nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, những câu chuyện kể của anh trong hai tập sách “Đi ngang Hà Nội và” “Đi dọc Hà Nội” chủ yếu là những chuyện kể của Hà Nội từ lâu lắm rồi. Phải chăng cũng phải mất một thời gian rất lâu để theo đuổi, tìm hiểu và viết?

Nói là theo đuổi đề tài này từ bao giờ cũng khó. Thứ nhất là tôi sống ở đây, chuyện hàng ngày cũng va đập vào mình. Thứ nữa là khi tôi lớn lên, đi học và thấy những cái ngày xưa bị rơi vãi đi, không còn nữa. Tôi thấy tiếc và bắt đầu thu gom nó lại và bắt đầu viết.

"Đi ngang Hà Nội" (xuất bản tháng 4-2012) thì nhiều người đã biết, thế còn “Đi dọc Hà Nội” thì sao ạ?

“Đi ngang Hà Nội” là 32 bài kí sự, khảo cứu nặng về phần kể. Còn “Đi dọc Hà Nội” lại thiên về khảo cứu nhiều hơn. Có nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện tôi muốn làm sáng rõ mà trước đây người ta thường nói chung chung. Ví dụ như: người ta hay nói rằng Tháp Rùa do một người tên lá Bá Kim xây. Nhưng thực tế khi khảo cứu lại thì câu chuyện không như vậy. Hay là “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Đó là câu chuyện cần có lời giải đáp. Rồi những câu cửa miệng thanh niên Hà Nội hay nói một thời “một chọi một lên cột đồng hồ”. Tại sao lại cột đồng hồ mà không phải nơi khác. Và cột đồng hồ người ta thi nhau tỷ thí là ở chỗ nào? Mình muốn qua các chứng cứ lịch sử để đưa ra những quan điểm của mình để mọi người hiểu thêm ngọn nguồn của vấn đề.

Với Bia Hà Nội thì nghe chừng ai cũng biết. Nhưng thực tế hỏi cụ thể thì họ lờ mờ. Một thời bia Hà Nội rất nổi tiếng nhưng Bia sản xuất ở đâu, như thế nào. Mỗi người có thói quen uống ở một quán. Và mình tìm hiểu, tập trung lại rồi rút ra những đặc trưng của bia hơi.

Đời sống đô thị từ những trang viết của anh có vẻ rất khác, rất riêng so với những tác phẩm, những công trình nghiên cứu về Hà Nội?

Theo tôi nghĩ, đời sống đô thị mà không có bia hơi, không có xe đạp, không có đĩa than không có âm nhạc thì không phải đô thị. Thêm nữa mình muốn nói, truớc đây sách viết về Hà Nội tương đối nhiều. Nhưng chủ yếu là sách về lịch sử, về chùa chiền, đình miếu …nhưng những cái về đời sống đô thị bị bỏ ngỏ. Có chăng, chỉ xuất hiện trên một vài trang sách. Đó cũng là cơ hội của mình để viết nên những trang sách riêng. Đô thị còn có cuộc sống, còn có nhân vật, những số phận…rất đáng để mình tìm hiểu và viết. Nếu bỏ qua những yếu tố đó thì thật là thiếu sót. Chắc chắn như vậy.

Nhiều người đi xa về cảm thấy ngỡ ngàng khi chứng kiến những điều không đẹp mắt, đẹp tai vẫn thường diễn ra ở Hà Nội. Riêng anh là người gắn bó với Hà Nội, đi sâu tìm hiểu những ngõ ngách của Hà Nội thì anh thấy như thế nào?

Cảm giác thất vọng là có. Theo mình nghĩ đó là điều dễ hiểu. Để hạn chế những điều đó thì có nhiều việc phải làm chứ không riêng gì câu chuyện “tự giác” của con người.

Bạn có biết rằng, trong lịch sử có ghi chép: Thời Lê, thành Thăng Long có những người lính làm nhiệm vụ đi khắp thành hễ thấy ai nói bậy, đi vệ sinh bậy trong thành thì phạt roi. Họ duy trì những nếp văn hóa nghiêm. Vì vậy thời bấy giờ rất hiếm khi thấy người say rượu ở ngoài đường. Đến thời Nguyễn, dù cho kinh đô chuyển vào Huế nhưng nề nấp, luật lễ vẫn duy trì được.

Còn bây giờ, quy định không được ngủ ở công viên. Thế nhưng, phạt được vài lần lại thôi. Nếu thế sẽ liên tục có người ngủ ở công viên, ghế đá. Không duy trì được việc quản lý thì văn hóa sẽ còn xuống thấp nữa.

Phạt là hình thức giáo dục tốt nhất. Nhưng bây giờ thanh niên ra đường cởi trần có ai phạt đâu. Thời Pháp người ta còn có đội thanh niên “kiểm tục”, đi quanh thành phố, hễ ai vi phạm là phạt. Như thế mới duy trì được văn hóa đô thị. Còn bay giờ, phạt cũng không dám phát. Nếu vậy thì sao duy trì được thuần phong mỹ tục.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến là phóng viên Báo Hà Nội mới. Sau “Đi ngang Hà Nội” xuất bản tháng 4/2012, “Đi dọc Hà Nội” tiếp tục là những khảo cứu về cuộc sống của người Hà Nội. 270 trang sách với 22 bài kí, khảo cứu, “Đi dọc Hà Nội” của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mang lại cho bạn đọc những cảm xúc mới trong những câu chuyện kể sinh động về cuộc đời của người Hà Nội theo chiều dài lịch sử. Nhưng khác với cuốn sách “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội” lại đề cập những vấn đề sâu về cuộc sống con người nơi đây như: Thuốc phiện Hà Nội, đào Nhật Tân và xuất xứ của nó, hay những vấn đề tưởng như rất bình thường nhưng không mấy ai biết là “những cô gái răng đen” 7x của Hà Nội…

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cũng là tác giả cuốn “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” (2009). Nhận xét về những bài viết của anh, Nhà phê bình Nguyễn Hoà đã từng nói: “Trong bối cảnh không ít người bằng lòng với việc “nghiên cứu” một số sự kiện, hiện tượng văn hoá ở Hà Nội như chúng ta đang có, sử dụng theo lối “ăn theo”, lý giải vấn đề bằng cảm quan hiện thực hơn là tiến hành khảo cứu, thì Nguyễn Ngọc Tiến lại cố gắng truy tìm ngọn nguồn của mỗi vấn đề mà anh đề cập. …Vì thế, người đọc không chỉ được tiếp xúc với diện mạo của sự vật- hiện tượng, mà còn được biết thêm rất nhiều về các biến thiên và tương quan văn hoá- văn minh”.

 Hà Ni

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang