Người phụ nữ bị mù mắt do đeo kính áp tròng nhiều năm: Khuyến cáo từ chuyên gia
Giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 3 tháng
Siêu nhạc hội 8Wonder và lễ hội mùa thu quốc tế lần đầu tiên đến Hà Nội
Thúc đẩy kết nối kinh tế, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác Việt Nam - Lào
Hiện nay, kính áp tròng đã trở thành trợ thủ đắc lực cho những người gặp vấn đề về thị lực mà không thể phẫu thuật và không muốn đeo kính, vì lý do thẩm mỹ hay công việc.
Rachel Prochnow, đến từ Austin, Texas là một trong 45 triệu người ở Mỹ thường xuyên sử dụng kính áp tròng. Mặc dù bắt đầu đeo loại kính này từ năm 12 tuổi, nhưng trên thực tế, cô chưa từng nhận được lời khuyên hay cảnh báo nào từ bác sỹ về tác hại của loại kính này.
Và điều đáng buồn đã xảy ra. Vào năm 2023, khi đang mang thai 34 tuần, cô đã bị hỏng một bên mắt sau khi đeo kính áp tròng trong lúc tắm, sau đó phải phẫu thuật ghép giác mạc để lấy lại thị lực.
Chia sẻ về trải nghiệm này của mình, Prochnow, người được chẩn đoán mắc bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba vào năm 2023, cho biết trên Newsweek: “Tôi nghĩ rằng mình đã làm đúng mọi thứ. Tôi không bao giờ đeo kính áp tròng khi ngủ. Tôi thay kính khi đã hết hạn; sử dụng dung dịch ngâm để bảo quản kính, thậm chí thay hộp đựng kính 2 tháng một lần". Tuy nhiên, chỉ sau một lần tắm mà không tháo kính áp tròng, cô đã bị viêm giác mạc do Acanthamoeba. Đây là tình trạng tương đối hiếm gặp, nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa đây là tình trạng nhiễm trùng mắt nghiêm trọng dẫn đến mù lòa hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn. Tình trạng này do một loài amip sống tự do có kích thước siêu nhỏ, một sinh vật đơn bào có tên gọi là Acanthamoeba xâm nhập vào mắt qua kính áp tròng.
"Tình trạng này xảy ra khi bạn đeo kính áp tròng và tắm vòi sen, bơi lội hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng" - Prochnow, một người sáng tạo nội dung cho biết, đồng thời khuyến cáo: "Bạn có thể bị nhiễm trùng bất cứ khi nào nếu kính áp tròng của bạn tiếp xúc với nước máy, vì vậy điều này bao gồm cả việc rửa mặt khi đeo kính áp tròng. Kính áp tròng tạo ra các vết nứt nhỏ trong mắt mà thông thường bạn không nhận thấy, nhưng khi nước có chứa những loại amip này chảy qua mắt, một số có thể bị kẹt giữa kính áp tròng và mắt bạn".
Đeo kính áp tròng thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt.
Các biến chứng có thể xảy ra khi thường xuyên sử dụng kính áp tròng:
Nhiễm trùng
Đây là biến chứng thường gặp nhất và trong trường hợp nặng có thể đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Tác nhân gây ra nhiễm trùng có thể là vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (đặc biệt là amip). Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do việc sử dụng, bảo quản kính không đảm bảo vệ sinh dẫn đến sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh và trên lâm sàng có thể gặp nhiều mức độ bệnh như: viêm kết mạc, viêm/ loét giác mạc...
Biểu hiện của nhiễm trùng bao gồm đỏ mắt, kích thích, cộm chói, ra dử mắt, nặng hơn nữa có thể thấy đau nhức, nhìn mờ nhiều. Bệnh nhân sẽ phải ngừng đeo kính áp tròng hoàn toàn trong thời gian bị bệnh, cần phải được thăm khám, theo dõi sát và điều trị bằng thuốc đặc hiệu tùy theo từng tác nhân gây bệnh (kháng sinh, chống nấm...).
Khô mắt
Khi đeo kính áp tròng sẽ ảnh hưởng đến việc luân chuyển, trao đổi lớp phim nước mắt ở giữa kính và bề mặt giác mạc. Đặc biệt là với kính áp tròng mềm, do có tỷ lệ ngậm nước nhất định nên sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới lớp phim nước mắt và có thể gây khô mắt nếu đeo thường xuyên, kéo dài.
Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như cộm rát, cảm giác dị vật, chói mắt, chảy nước mắt. Đối với người sử dụng kính áp tròng nên tra thêm các loại nước mắt nhân tạo do bác sĩ nhãn khoa thăm khám, tư vấn lựa chọn loại thuốc phù hợp với loại kính áp tròng đang đeo. Khi đã có biểu hiện khô mắt nhẹ thì cần đổi sang các loại kính áp tròng làm bằng vật liệu khác (kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm có độ ngậm nước thấp) và giảm thời gian đeo kính, bổ sung thêm nước mắt nhân tạo.
Tổn thương do tác động cơ học
Những tổn thương này có thể gây ra do những tác động bên ngoài khi đeo tháo kính (tay chọc vào, móng tay dài chạm vào), hay gặp ở những người đeo kính áp tròng cứng do kính không còn nguyên vẹn (rìa kính bị khuyết, nham nhở hình răng cưa) hoặc thông số kính không phù hợp nên tì đè vào giác mạc nhiều. Biểu hiện là mắt cộm đỏ, kích thích, chảy nước mắt nhiều. Khi thăm khám sẽ thấy trầy, xước giác mạc hoặc tổn thương biểu mô dạng chấm ở trường hợp nhẹ. Những người đeo kính áp tròng luôn phải cắt ngắn móng tay, được hướng dẫn thao tác đeo tháo kính đúng cách, cần thay kính áp tròng khác khi kính không còn nguyên vẹn hoặc thông số không phù hợp.
Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng
Để tránh gây hại cho mắt, các chuyên gia khuyến cáo không nên đeo kính áp tròng quá lâu, nên đeo trong khoảng thời gian 6-8 tiếng thì tháo ra cho mắt được “nghỉ” trong khoảng 2 tiếng rồi mới đeo lại.
Khi tháo kính áp tròng nên ngâm trong dung dịch rửa kính chuyên dụng để giúp kính của bạn không bị biến dạng và làm tăng tuổi thọ của kính.
Tuyệt đối không được sử dụng lại dung dịch ngâm kính cũ vì khi lấy kính ra khỏi dung dịch nó đã bị nhiễm khuẩn bởi dụng cụ lấy kính hoặc tay nên ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm trùng, đeo kính vào sẽ gây kích ứng mắt.
Không sử dụng kính áp tròng khi mắt đang bị đau hoặc có các biểu hiện như chảy nước mắt, đỏ, sưng…
Nên thay kính áp tròng nếu có hiện tượng bị trầy xước hoặc rách vì nếu cố chấp đeo có thể sẽ khiến giác mạc của bạn bị tổn thương.
Hiện trên thị trường có rất nhiều nơi bán kính áp tròng không rõ nguồn gốc vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên mua kính áp tròng ở những địa chỉ uy tín.
Thanh Hiền (t/h)