Cảnh báo nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc nam
Tour nghỉ lễ 30/04 kín lịch, dấu hiệu ngành du lịch 'hồi sinh'
Tour trải nghiệm Aqua City bằng đường sông: 'Nhìn đâu cũng rợp bóng cây xanh và sông nước'
Cụ thể, bệnh nhân là chị Nguyễn Thị H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Năm 2019, chị H. được Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, sau khi nghe lời hàng xóm khuyên uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây nên chị H. đã chuyển sang thuốc nam để trị bệnh.
Sau 4 tháng dùng thuốc nam, không những tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện mà chị còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể phù, suy kiệt... Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng, chị đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy mới phát hiện bị loét đường ruột rất nặng.
ThS. BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, qua xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Bệnh nhân được yêu cầu ngưng ngay nhưng tình trạng nhiễm độc kim loại nặng đã để lại một di chứng khá nặng nề là mất protein qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt 2 năm, rất tốn kém.
Theo bác sĩ Vy, đây là một trong những trường hợp bệnh tiêu biểu bị ảnh hưởng nặng nề của việc sử dụng thuốc không đúng cách. Việc nhiễm độc từ thuốc diễn ra âm thầm và biểu hiện như một bệnh lý nội khoa mà không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nguyên nhân.
Chị H. cho biết gia đình chị đã phải "cắn răng" truyền thuốc mất hơn 1 triệu đồng mỗi ngày trong suốt 2 năm qua.
"Lúc đó, dù rất tốn kém nhưng thuốc truyền vào chỉ giúp tôi duy trì việc ăn uống, ngủ nghỉ. Tôi không thể làm các hoạt động khác vì mỗi khi vận động, tôi đều cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. Vì vậy, trong 2 năm tôi gần như chỉ ở nhà và đợi đến giờ truyền thuốc mà thôi", chị H. nhớ lại.
The các bác sĩ, thuốc nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép thì rất tốt. Tuy nhiên cũng có cơ sở không rõ nguồn gốc, trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng, người dân tuyệt đối không nên sử dụng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Người bệnh nên đi khám ở các cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép để bác sĩ theo dõi sát tình trạng bệnh của mình. Bên cạnh đó, người bệnh sau khi điều trị các triệu chứng đã ổn định cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc nam "trôi nổi" rất nguy hiểm. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, tử vong. Các thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tây. Sau đó, khi bị các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh mới phải nhập viện trong tình trạng nặng.
Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần vì có thể thuốc đã được trộn chất cấm, có hại cho cơ thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc. Để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc như bệnh nhân trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền tai/ mách bảo nhau, thuốc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất, tật mang”.
An Nguyên (t/h)