Người tham gia vụ đốt xe Fortuner vì nghi bắt cóc trẻ em có thể lĩnh án tù chung thân

author 10:08 24/07/2017

(VietQ.vn) - Vụ đốt xe Fortuner vì nghi bắt cóc trẻ em ở Hải Dương, Luật sư cho rằng hình phạt đối với những người tham gia sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Về vụ hai người đàn ông trong lúc vào nhà dân (ở huyện Thanh Hà, Hải Dương) mua gỗ bị hiểu nhầm là đối tượng thôi miên, bắt cóc trẻ con nên bị nhiều người dân quây đánh và đốt xe Fortuner, Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng đây là một vụ việc thể hiện sự cuồng nộ của đám đông trước một thông tin chưa được kiểm chứng, gây hậu quả nghiêm trọng.

vụ đốt xe Fortuner vì nghi bắt cóc trẻ em ở hải dương

Chiếc xe ô tô Fortuner đắt tiền bị đốt trụi

Sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Luật sư Cường nhận định hành vi của các đối tượng quá khích đập phá xe ô tô và đốt xe Fortuner của anh Hải, anh Nam là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị xem xét và xử lý các đối tượng đập phá, đốt xe ô tô về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự hiện hành, hình phạt được quy định như sau:

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài ra, một số đối tượng tham gia hô hào, kích động đám đông có những hành động quá khích cũng sẽ bị xem xét, xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự hiện hành, cụ thể hình phạt được quy định như sau:

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Cũng may trong vụ việc này tính mạng, sức khỏe của anh Hải và anh Nam đã được lực lượng công an bảo vệ kịp thời nên đã không bị xâm hại giống như vụ việc mới xảy ra ở Sóc Sơn thời gian vừa qua. Nếu các đối tượng quá khích trên xâm hại tới tính mạng sức khỏe của nhóm anh Nam, anh Hải thì theo Luật sư Đặng Văn Cường, các đối tượng còn bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS hoặc tội giết người nếu có hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

Đối với chị Q và gia đình chị Q, do hiểu lầm nên mới truy hô, vì vậy hành vi này có thể sẽ không bị xử lý.

Đối với một số những người khác, có mặt ở đó nhưng không có hành vi đập phá xe ô tô, không kích động người khác gây rối mà chỉ là hiếu kỳ thì hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, những người này có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc nhắc nhở rút kinh nghiệm...

Luật sư Cường chốt lại: "Vụ việc này sẽ khởi tố các đối tượng hủy hoại tài sản theo quy định tại khoản 4, điều 143 bộ luật hình sự, hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân".

Bài học đắt giá cho người dân và chính quyền

Thời gian gần đây những tin đồn về thôi miên để chiếm đoạt tài sản, bắt cóc trẻ em đã làm nhiều người dân hoang mang hoảng sợ và họ dễ bị kích động khi có người lạ đến địa phương có dấu hiệu khả nghi. Những nghi ngờ cảnh giác với kẻ xấu có thể là cần thiết. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra thì đám đông dễ bị kích động, dễ dẫn đến những hành vi quá khích, gây thương tích hoặc xâm hại đến tài sản của những người bị tình nghi.

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Vì vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu xảy ra những trường hợp tương tự thì chính quyền địa phương cần phải có mặt can thiệp kịp thời giải tán đám đông và bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người bị tình nghi. Nếu sự việc là đúng sự thật thì sẽ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật, tránh tình trạng để người dân tự xử dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến tính mạng sức khỏe tài sản của người khác. Chính quyền địa phương cũng cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết giới hạn hành vi của mình trong các tình huống bắt giữ tội phạm, bắt người phạm tội quả tang.

Luật sư cho rằng đây là bài học không chỉ đối với những người sẽ bị xử lý thời gian tới đây mà còn là bài học của chính quyền địa phương trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.

Còn đối với những người đi đến các vùng quê mà bị tình nghi là tội phạm bắt cóc trẻ con thì cần phải có những giải thích kịp thời để người dân tin tưởng, đồng thời tìm cách liên hệ sớm nhất với đại diện địa phương hoặc cơ quan công an để được can thiệp bảo vệ kịp thời, tránh những trường hợp nghi ngờ bức xúc quá khích dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

HOÀNG NGUYÊN

Sắp xử phúc thẩm vụ ‘không được nhận tiền vẫn thành con nợ’ ở VPBank Quảng Ninh(VietQ.vn) - Vay 1 tỷ đồng tại VPBank Quảng Ninh, người vay không những không nhận được tiền mà còn trở thành “con nợ” của Ngân hàng và bị kiện ra tòa yêu cầu phải trả nợ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang