Sắp xử phúc thẩm vụ ‘không được nhận tiền vẫn thành con nợ’ ở VPBank Quảng Ninh

author 14:57 19/07/2017

(VietQ.vn) - Vay 1 tỷ đồng tại VPBank Quảng Ninh, người vay không những không nhận được tiền mà còn trở thành “con nợ” của Ngân hàng và bị kiện ra tòa yêu cầu phải trả nợ.

Ngày 28/7 tới đây, Tòa  án nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 02/2017 ngày 6/3/2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank); bị đơn là ông Nguyễn An Biên và bà Trần Thị Khê, địa chỉ tổ 5 khu 2 phường Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án cũng được triệu tập là ông Nguyễn Cao Thế, bà Trần Thị Ngân, chị Nguyễn Thu Nga, chị Nguyễn Thị Phương Dung, chị Nguyễn Thị Nhung. 

Đi vay tiền, thành “con nợ”

Trước đó, Chất lượng Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của vợ chồng ông Nguyễn An Biên (SN 1959) bà Trần Thị Khê (SN 1962) trú tại tổ 5, khu 2 phường Đông Triều, TX. Đông Triều (Quảng Ninh) về việc cán bộ NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Chi nhánh Quảng Ninh (VPBank Quảng Ninh) nghi có mục đích chiếm đoạt số tiền vay của ông bà tại NH này.

vpbank quảng ninh

Khu giao dịch của Ngân hàng VPBank Quảng Ninh tại TP. Hạ Long 

Vào đầu tháng 5/2013, do cần vốn để làm ăn nên vợ chồng ông Nguyễn An Biên, bà Trần Thị Khê đã đến VPBank Quảng Ninh để vay tiền với số tiền là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Tài sản bảo lãnh là quyền sử dụng đất đứng tên em trai ông Biên là Nguyễn Cao Thế và vợ ông Thế là bà Nguyễn Thu Ngân.

Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, tới ngày 01/7/2013, vợ chồng ông Biên cùng các em đến ngân hàng VPBank Quảng Ninh tại TP. Hạ Long để ký các thủ tục hoàn tất hợp đồng vay vốn. Sau khi ký xong hợp đồng, họ được cán bộ NH hướng dẫn ra về, khi nào xong thủ tục sẽ lên ký lấy tiền và lấy giấy tờ.

Do quá lâu không thấy cán bộ NH báo lên nhận tiền, ngày 31/10/2013, vợ chồng ông Biên đến VP Bank Quảng Ninh để hỏi thủ tục xong chưa để rút tiền. Lúc này, vợ chồng ông được phía NH thông báo ông Biên đã ký ủy nhiệm chi cho một người tên là Nguyễn Thị Phương Dung vào ngày 3/7/2013 để trả tiền hàng (?).

“Vì dự định đến khoảng tháng 11/2013 gia đình tôi mới sử dụng vốn vay trên nên ngày 31/10/2013, vợ chồng tôi mới đến NH, hỏi thủ tục đã xong chưa để rút tiền thì mới giật mình khi được phía NH thông báo ông Nguyễn An Biên (tức chồng tôi) đã ký ủy nhiệm chi cho một người tên là Nguyễn Thị Phương Dung vào ngày 03/7/2013, để trả tiền hàng”, bà Khê nói.

Trước sự việc trên, vợ chồng ông Biên đã làm đơn tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh. Sau một thời gian điều tra xác minh, Công an Quảng Ninh đã có kết quả xác minh và trả lời vợ chồng ông Biên. Tại Kết quả điều tra số 1528/TB-PC45 của Công an tỉnh Quảng Ninh kết luận, trong hồ sơ vay vốn, nhân viên tín dụng NH đã giả mạo chữ ký của vợ chồng ông Biên để tự ý ký một hợp đồng mua bán phụ tùng xe máy nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.

Còn đối với số tiền 1 tỷ đồng, sau khi bà Nguyễn Thị Phương Dung nhận được đã chuyển lại cho bà Nguyễn Thị Nhung, sau đó bà Nhung lại chuyển lại số tiền trên cho bà Đoàn Mai Thanh, khi đó là cán bộ tín dụng của VPBank Quảng Ninh. Hiện bà Thanh đã bị khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đang bỏ trốn.

Tuy không nhận được tiền vay vốn, nhưng ngày 19/5/2014, vợ chồng ông Biên bà Khê nhận được thông báo thụ lý đơn kiện của VPBank Quảng Ninh, buộc vợ chồng ông bà phải thanh toán số tiền đã vay cũng như toàn bộ phần lãi suất phát sinh là hơn 1,7 tỷ đồng, vì phía NH cho rằng ông Biên đã hoàn tất các thủ tục, đã nhận tiền nhưng vi phạm nghĩa vụ trả nợ (!?).

NH sai phạm trong quy trình tín dụng?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Đức Năng, Công ty luật Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, phía VPBank Quảng Ninh tại TP. Hạ Long đã có dấu hiệu sai phạm trong quá trình tín dụng. Cụ thể như sau.

Theo tài liệu phía NH cung cấp: Ngày 15/5/2013, ông Nguyễn An Biên và bà Nguyễn Thị Phương Dung đã tiến hành ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa số 18/2013/HĐMB với các loại mặt hàng là phụ tùng ô tô, xe máy, điện lạnh với tổng giá trị của hợp đồng mua bán là 1.049.660.000 đồng (một tỷ không trăm bốn chín triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng chẵn).

Tuy nhiên, hợp đồng trên không phải do ông Nguyễn An Biên và bà Nguyễn Thị Phương Dung tiến hành ký kết. Nó được thể hiện ở việc chữ ký trên hợp đồng mua bán không phải của ông Biên và bà Dung. Điều này đã được thể hiện tại kết quả giám định chữ ký của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) theo yêu cầu của ông Nguyễn An Biên.

Bên cạnh đó, trong biên bản lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Phương Dung tại buổi hòa giải ngày 22/9/2015, cũng thể hiện: Bà Nguyễn Thị Phương Dung không biết ông Nguyễn An Biên là ai, chưa từng giao dịch với ông Nguyễn An Biên, đồng thời cũng không biết gì về nội dung Hợp đồng số 18/2013/HĐMB. Và về lời khai của ông Nguyễn An Biên cũng thể hiện không biết chị Nguyễn Thị Phương Dung, không giao dịch với chị Nguyễn Thị Phương Dung, đồng thời cũng không biết gì về nội dung Hợp đồng số 18/2013/HĐMB.

“Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa ông Nguyễn An Biên và bà Nguyễn Thị Phương Dung ký ngày 15/5/2013 là một hợp đồng giả mạo, do cán bộ NH tự lập nên để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, không phải do ông Nguyễn An Biên cung cấp cho phía NH. Với tư cách là bên cho vay, VPBank Quảng Ninh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để một hồ sơ giả mạo có thể vượt qua các quy trình thẩm định của NH để từ đó dẫn đến việc tranh chấp này”, Luật sư Năng nhấn mạnh.

Cũng theo tài liệu từ phía NH cung cấp, ngày 03/7/2013, ông Nguyễn An Biên đã đến trụ sở VP Bank Quảng Ninh tại TP. Hạ Long để ký khế ước nhận nợ, đề nghị giải ngân và viết giấy ủy nhiệm chi. Nhưng trên thực tế, ngày 03/7/2013, ông Nguyễn An Biên không đi Hạ Long mà ở nhà bán hàng từ 7h sáng đến 16h chiều ngày 03/07/2013. Điều này, đã được các nhân chứng là những người trực tiếp đến mua xe tại cửa hàng nhà ông Biên ngày 03/7/2013, đứng ra làm chứng.

Luật sư Năng cho biết thêm, một điều bất bình thường là trong 2 bản khế ước nhận nợ và giấy đề nghị giải ngân, tất cả phần chữ thể hiện nội dung văn bản đều được in sẵn, riêng chỉ có mục ngày, tháng, năm lại được phía NH để trống phần ngày và tự viết tay ngày mùng 3 vào phần để trống đó. Tại sao phía NH không in sẵn ngày tháng như trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản ngày 01/7/2013?

“Tôi cho rằng, bản chất sự việc trên như sau: Trong ngày 01/7/2013, sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, lợi dụng sự tin tưởng và sự chủ quan của khách hàng, cán bộ NH đã yêu cầu ông Biên và bà Khê ký khống vào khế ước nhận nợ, đề nghị giải ngân và ủy nhiệm chi. Sau đó, ngày 03/7/2013, mới hợp thức hóa bằng việc điền bằng tay ngày mùng 3/7/2013 để hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt”, Luật sư Năng nhận định.

Trong tờ trình giải ngân ghi ngày 03/7/2013, do bà Đoàn Mai Thanh lập hồ sơ, có nội dung: Căn cứ vào giấy đề nghị giải ngân, người nhận giải ngân là Nguyễn Thị Phương Dung, số tài khoản 51461387 cấp tại VPBank Quảng Ninh.

“Vậy làm cách nào mà bà Đoàn Mai Thanh và VPBank Quảng Ninh lấy được tên và tài khoản của bà Nguyễn Thị Phương Dung để điền vào tờ trình giải ngân, trong khi trong giấy đề nghị giải ngân, ông Nguyễn An Biên không yêu cầu giải ngân vào tài khoản này?”, Luật sư đặt câu hỏi.

Cùng với đó, trong giấy ủy nhiệm chi của VPBank đề ngày 3/7/2013, thể hiện nội dung: Người trả tiền là Nguyễn An Biên, số tài khoản 51454154; người nhận tiền là Nguyễn Thị Phương Dung, số tài khoản 51461387; ủy nhiệm chi tại VP Bank Quảng Ninh; số tiền chuyển 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng); Nội dung: chuyển tiền (nhận nợ theo HĐ N13.2577.35). Về vấn đề này, theo Luật sư Năng, trong ủy nhiệm chi ngày 03/7/2013, không phải chữ viết của ông Nguyễn An Biên. Điều này đã được thể hiện tại kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An). Không chỉ vậy, nội dung ủy nhiệm chi không thể hiện ý chí của ông Nguyễn An Biên.

“Ngày 24/1/2017, Thẩm phán Trần Quốc Nam - Phó chánh án Tòa án Nhân dân TX. Đông Triều đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án trên và tuyên chúng tôi thua cuộc, cùng với đó phải hoàn trả cho VP Bank Quảng Ninh tại TP. Hạ Long số tiền là 1.750.104.741 đồng. Chúng tôi cho rằng, bản án trên là không chính xác, trong nội dung bản án, đã bỏ qua rất nhiều tình tiết khách quan thể hiện bản chất của sự việc. Mặc dù tại phiên tòa, chúng tôi cũng như luật sư – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi đã đưa ra những vấn đề trên, nhưng đã không được thẩm phán đưa vào nội dung bản án”, vợ chồng ông Nguyễn An Biên nêu ý kiến. 

VIẾT CƯỜNG

VPBank bị tố làm mất 26 tỷ: Công an vào cuộc, kế toán công ty 'bốc hơi'(VietQ.vn) - Để làm rõ vụ VPBank bị tố làm mất 26 tỷ, PC46 - Công an TP. HCM mời kế toán công ty Quang Huân lên làm việc nhưng ông này đã rời khỏi nơi cư trú.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang