Nguy cơ nhiễm độc chì từ sản phẩm gốm sứ không rõ nguồn gốc

author 08:31 14/05/2023

(VietQ.vn) - Theo các nhà chuyên môn về gốm sứ, hiện nay thị trường bán rất nhiều loại gốm sứ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc chì cho người dùng.

Gốm sứ không rõ nguồn gốc bán tràn lan ngoài thị trường gây nguy hại gì?

Theo Công ty Gốm xứ Minh Quang- Hà Nội, hiện nay thị trường gốm sứ phát triển rất nhanh, với nhiều loại sản phẩm đa dạng về hình thức, chủng loại, chất lượng đến giá thành. Một trong những nỗi ám ảnh của người tiêu dùng là các sản gốm sứ có sử dụng chì vào trong quá trình sản xuất. Nhất là những sản phẩm gốm sứ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó thì không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được những sản phẩm gốm sứ không nhiễm chì để mua.

Ngoài những sản phẩm có chất lượng của những thương hiệu nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm gốm sứ với nhãn hiệu lạ, nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí không có nhãn mác, trong đó có những nhãn mác in toàn tiếng nước ngoài nhưng theo giới chuyên môn, trong đó có không ít là hàng kém chất lượng được sản xuất ở một số nước vào Việt Nam chưa được kiểm soát về chất lượng.

Nhiều loại sản phẩm được làm từ gốm, sứ không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường có nguy cơ nhiễm chì cao. Ảnh minh họa

Nhiều loại sản phẩm được làm từ gốm, sứ đang được bày bán trên thị trường, nếu nhà sản xuất làm không đúng quy trình vẫn có thể gây độc cho người sử dụng. Theo đó, đối với nhà máy đạt tiêu chuẩn thì đồ gốm dùng để chứa thức ăn, thức uống phải được nung trong nhiệt độ tiêu chuẩn tại 1.200ºC, còn đối với sản phẩm sứ là 1.300ºC. Với nhiệt độ tiêu chuẩn này sẽ nung chảy nguyên liệu đất, đá, men và kết nối thành khối đồng nhất.

Với nhiệt độ cao này sẽ “đánh” bật các loại kim loại nặng kể cả chì, bốc hơi bay ra bên ngoài nên sản phẩm tạo ra sẽ không bị nhiễm độc tố. Trong khi những nhà máy sản xuất không đúng kỹ thuật được nung ở nhiệt độ thấp nên các chất độc này vẫn tồn tại trong sản phẩm, cũng như kết cấu nguyên liệu lỏng lẻo sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất độc khi tiếp xúc với thức ăn, thức uống.

Theo các chuyên gia thì các sản phẩm kém chất lượng thường có hàm lượng chì khá cao có hại đến sức khỏe cho người sử dụng. Lớp men trên sản phẩm gốm sứ kém chất lượng kém chất lượng rất dễ bị mài mòn, chất chì sẽ nhiễm độc vào thức ăn rất nguy hiểm. Kim loại nặng có trong màu sắc khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có tính axít, chua sẽ dễ dàng thôi nhiễm và vào cơ thể, tích tụ lâu ngày gây nhiều chứng bệnh về hệ thần kinh. Chì cũng như các kim loại nặng khác khi vào cơ thể còn gây ức chế các phản ứng trong cơ thể, tích lũy trong gan, thận gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm hoặc tích lũy trong xương gây loãng xương, phân hủy xương.

Ngoài ra không ít nhà sản xuất sử dụng nhiều loại màu để tạo ra những món đồ gốm sứ bắt mắt nên sản phẩm tạo ra không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Để màu sắc vẫn giữ được vẻ bắt mắt trên bề mặt sản phẩm, nhà sản xuất buộc phải nung ở nhiệt độ thấp nên hàm lượng chì và kim loại nặng trong màu vẫn còn. Tạo hoa văn bên trên lớp men phần lớn không an toàn cho người sử dụng, tức nhà sản xuất dùng hình ảnh decal dán lên sản phẩm và cũng được nung thêm một lần nữa nhưng với nhiệt độ thấp nên chất độc hiện diện ngay trên bề mặt sản phẩm đồ gốm sứ rất nguy hiểm.

Gốm sứ không rõ nguồn gốc còn gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính như bệnh thận hoặc bệnh thần kinh. Gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể như: gan, phổi, dạ dày: Một khi nó đã được đưa vào cơ thể, cadmium bị loại bỏ rất chậm.

Tổn thương não, giảm IQ do nhiễm chì trong đồ sứ: Khi tiếp xúc với thực phẩm, các chất độc hại có thể thẩm thấu vào thực phẩm, nước uống với mức độ khác nhau sau đó vào cơ thể người sử dụng. Lượng chì và cadmium di chuyển từ gốm vào thực phẩm phụ thuộc không chỉ vào chất lượng của men mà đặc biệt là vào nhiệt độ mà vật liệu gốm được nung, loại thực phẩm và thời gian tiếp xúc…

Tác động lên hệ thống enzym vận chuyển hidro gây nên một số rối loạn trong cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc mà cơ thể con người sẽ phải chịu những tai biến hoặc nặng nhất là tử vong.

Với phụ nữ có thai: Nếu tiếp xúc với chì thường xuyên thì khả năng xảy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn.

Với trẻ em: Chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa Canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ, gây biến chứng viêm não cho trẻ. Cần lưu ý đặc biệt tác hại của chì đối với trẻ em vì mức độ hấp thụ chì ở trẻ em cao gấp 3 – 4 lần người lớn.

Cách nhận biết về sản phẩm gốm sứ Trung Quốc với gốm sứ Bát Tràng

Theo Xưởng sản xuất Authentic Battrang- Hà Nội, gốm sứ Trung Quốc có rất nhiều loại sản phẩm tinh xảo và cao cấp. Nhưng hiện nay, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều gốm sứ Trung Quốc in decal kém chất lượng với mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt và giá thành rẻ. Điều này gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trong việc phân biệt gốm sứ Bát Tràng và gốm sứ Trung Quốc kém chất lượng.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cần nhận biết cách phân biệt gốm Việt dựa vào họa tiết vẽ trên sản phẩm gốm sứ, màu sắc trên họa tiết đó, độ xương của đất, độ dày và chất lượng của sản phẩm. Có một điểm chung của gốm sứ Bát Tràng là đều được làm từ nguyên liệu cao cấp đất cao lanh, trong khi nguyên liệu làm ra gốm sứ Trung Quốc lại không rõ nguồn gốc.

Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy màu sắc gốm sứ Trung Quốc rất đậm và dại, còn gốm sứ Bát Tràng rất đẹp và nét. Gốm sứ Bát Tràng được tráng qua một lớp men nên màu sắc cùng họa tiết sẽ được bao phủ bảo vệ và sẽ bền mãi theo thời gian.

Về họa tiết, gốm sứ Trung Quốc giá rẻ thường dùng decal để in hình các họa tiết, sau đó sản phẩm được đưa vào lò hấp để mực trên decal in trên bề mặt gốm sứ. Điểm đặc điểm của loại in decal này là các nét vẽ thường đều nhau, không có độ đậm nhạt riêng và đôi khi họa tiết bị phai.

Gốm sứ Bát Tràng được vẽ thủ công bằng tay nên có độ đậm nhạt, thanh mảnh khác nhau, có độ mềm mại riêng từng họa tiết và không có nét nào giống nét nào. Có thể cùng một đôi lọ lộc bình nhưng họa tiết 2 chiếc lộc bình có thể khác nhau, ví dụ như họa tiết 1 chiếc có thể to hơn hoặc nét vẽ mỏng hơn chiếc còn lại. Điều đặc biệt ở gốm Bát Tràng là bước dội men mà gốm sứ Trung Quốc in decal không có.

Sau khi sản phẩm đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao, men sứ sẽ phủ một lớp mỏng lên họa tiết vẽ tay tạo sự bảo vệ vĩnh cửu mãi mãi theo thời gian. Đây có thể được coi là điểm khác biệt cũng như ưu điểm lớn nhất của gốm sứ Bát Tràng với gốm sứ Trung Quốc. 

Vì thế, khi chọn mua đồ gốm sứ, hãy xem xét đến các nét vẽ thanh đậm bên ngoài để phân biệt chính xác hàng thật, hàng giả. Về màu sắc họa tiết trang trí chính, cả gốm sứ Bát Tràng và Trung Quốc đều có nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt như đỏ, vàng, xanh... Nhưng sự khác biệt lớn đến từ mực trên họa tiết gốm sứ. Vì không có lớp men bảo vệ như gốm sứ Bát Tràng nên màu mực này sẽ bay màu theo năm tháng khi chúng ta rửa hay lau chùi sản phẩm. Do đó, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng có độ bền màu tốt hơn gốm sứ Trung Quốc.
Về độ dày, đồ gốm sứ Bát Tràng được làm thủ công nên sẽ dày hơn so với các sản phẩm Trung Quốc, khi bạn cầm sản phẩm sẽ có cảm giác chắc tay, vững chãi.

Về chất lượng, do được làm thủ công nên các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng luôn được bảo vệ bởi 1 lớp men bên ngoài giúp hoa văn không bị mờ đi, luôn sắc nét, đồng thời cũng đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng.

Đối với đồ gốm Trung Quốc rất dễ bị mờ và phai màu họa tiết đặc biệt dùng càng lâu thì hoa văn càng nhanh phai màu. Không những thế, mực in ở đây còn chứa chì nên ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm đồ gốm để sử dụng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc dẫn đến gây hại cho sức khoẻ.

Tiêu chuẩn để đo lường chất lượng của các sản phẩm gốm sứ

Để đánh giá được chất lượng sản phẩm, hàng hóa, doang nghiệp cần thực hiện các nội dung sau:

Công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (hoạt động bắt buộc).

Thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm/chứng nhận/giám định) tại tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đã công bố áp dụng tương ứng.

Trường hợp sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện theo các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật này.

Thực hiện công bố hợp chuẩn (hoạt động tự nguyện) hoặc công bố hợp quy nếu thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hoạt động bắt buộc) theo quy định Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm như bình hút tài lộc, tranh gốm sứ Bát Tràng, đồ thờ cúng, doanh nghiệp cần thực hiện các nội dung sau:

Thực hiện và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký sản xuất, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa và các quy định khác có liên quan.

Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và bảo đảm sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (thông qua hoạt động đánh giá sự phù hợp) theo quy định hiện hành.

Thực hiện công bố hợp chuẩn (nếu cần thiết) theo quy định hiện hành.

Tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn Luật.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang