Nguy cơ từ kính áp tròng trôi nổi, kém chất lượng

author 15:26 13/07/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Hà Nội vừa phối hợp với lực lượng Công an đột kích cơ sở gia công, phù phép hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng có nguồn gốc, nhãn mác Trung Quốc thành hàng Hàn Quốc.

Hàng chục nghìn kính áp tròng Trung Quốc "biến" thành hàng Hàn Quốc

Mới đây, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng công an đột kích cơ sở gia công, phù phép hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng có nguồn gốc, nhãn mác Trung Quốc thành hàng Hàn Quốc. Theo ghi nhận, cơ sở có địa chỉ tại ô 129, lô 3 khu tái định cư mở rộng Xuân Phương, phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi nhà có 4 tầng thì có đến 3 tầng dùng để chứa trữ sản phẩm và nguyên phụ liệu.

Theo ông Phan Thanh Hà - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6, qua các bước thẩm tra, xác minh ban đầu, cơ sở này có dấu hiệu đang sản xuất, kinh doanh hàng giả. Hàng hoá là sản phẩm kính áp tròng được nhập khẩu từ nước ngoài. Trên mỗi sản phẩm đều có nhãn mác, chữ Trung Quốc. Sau khi nhập hàng về, nhân viên tại cơ sở đã bóc, xé nhãn gốc Trung Quốc thay thế bằng nhãn mác tự thiết kế, rồi đặt in, biến sản phẩm thành hàng "Made in Korea".

 Kính áp tròng Trung Quốc "hô biến" thành hàng Hàn Quốc bị thu giữ. Ảnh: Văn Lợi

Để “sản xuất” được sản phẩm kính áp tròng có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, cơ sở này đã dùng 2 máy dán nhãn thô sơ. Những chiếc máy này đặt trên tầng 4 của ngôi nhà. Chỉ trong vài phút thực hành, hàng chục sản phẩm kính mắt áp tròng đã được “thay tên đổi họ”.

Cũng theo chia sẻ của Phó Đội trưởng Phan Thanh Hà, theo quy định, mặt hàng kính áp tròng khi nhập khẩu và kinh doanh phải được cấp phép của Bộ Y tế, cấp số đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này chưa xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm, nguyên liệu và không có số đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.

Theo nhân viên tư vấn bán hàng của cơ sở, hàng hoá tại đây được phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có những nơi đổ buôn, có những chỗ bán lẻ. Kênh tiêu thụ chính là trên sàn thương mại điện tử với giá 45.000 đồng/sản phẩm. Mỗi ngày, có ít nhất 30 khách hàng chốt đơn, đặt hàng. 

Nguy cơ từ kính áp tròng kém chất lượng

Cơ quan QLTT nhận định, đây là vụ việc tương đối lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Kính mắt áp tròng nếu sử dụng phải sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng, không có số đăng ký lưu hành... sẽ gây nhiều hệ lụy cho người dùng, nhất là đối với lớp trẻ, những khách hàng là học sinh, sinh viên. Ước tính, số kính áp tròng không đủ điều kiện lưu hành bị thu giữ tại cơ sở này lên đến hàng chục ngàn sản phẩm.

Thông tin thêm về kính áp tròng, theo bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương, sử dụng các loại kính tiếp xúc (kính áp tròng) trôi nổi, kém chất lượng có thể gây bệnh nguy hiểm cho mắt người dùng.

Người mang kính này sẽ cảm thấy khó chịu ập đến ngay sau khi đeo kính với các triệu chứng như: đỏ mắt và viêm kết mạc; nhìn mờ ít nhiều, có thể mất hoàn toàn thị lực; xước giác mạc gây đau nhức, chảy nước mắt; viêm nhiễm giác mạc gây đau nhức, nhìn mờ; dị ứng với kính gây đỏ mắt, ngứa mắt và khó chịu kéo dài. 

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được đâu là kính áp tròng trôi nổi, đâu là kính áp tròng đạt chuẩn?

Thông thường, những loại kính áp tròng được nhập về phải được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, với những mặt hàng trôi nổi trên thị trường hiện nay, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc "xách tay" như nhiều cửa hàng vẫn quảng cáo thì rất khó để đảm bảo điều này.

Theo lời khuyên của bác sĩ, người tiêu dùng nên lựa chọn kính áp tròng của thương hiệu uy tín, không đặt mua của những hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ. Đặc biệt, nên lưu ý hạn sử dụng ghi trên bao bì, không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp bị rách, không còn nguyên vẹn.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang