Nguy hiểm tiềm ẩn từ thức ăn đường phố khi thời tiết nắng nóng

author 05:52 27/07/2022

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia dinh dưỡng, mùa hè nắng nóng thức ăn đường phố là loại dễ hư bị vi khuẩn tấn công do điều kiện bảo quản không đảm bảo.

Nguy cơ từ thức ăn đường phố 

Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân, nhất là ở các thành phố lớn. Theo ghi nhận tại Việt Nam, dù ở bất cứ đường phố nào, thậm chí kể cả nông thôn, cũng dễ dàng bắt gặp các quầy bán thức ăn. Từ các loại thức ăn nhanh phục vụ bữa sáng, bữa phụ như xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán..., các loại nước uống tự chế biến như nước ép, sữa hạt, cà phê..., đến các loại thức ăn vỉa hè đã góp phần làm nên tên tuổi của ẩm thực Hà thành như bánh mỳ kẹp, bánh chưng rán, cháo sườn, mỳ gà tần, bánh đúc nóng... Với giá cả phải chăng, thức ăn đường phố mang hương vị hấp dẫn làm nên thương hiệu cho nhiều cửa hàng. Sự đa dạng và tiện lợi của thức ăn đường phố phù hợp cho những người có thu nhập thấp và quỹ thời gian eo hẹp.

Đặc biệt ở các thành phố lớn người dân đôi khi chỉ cần bước ra khỏi cửa là có thể mua được đồ ăn nhanh. Nhịp sống bận rộn khiến thức ăn nhanh, suất ăn chế biến sẵn trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Các quầy bán thức ăn đường phố đem lại thu nhập cho nhiều người. Điểm chung của thực phẩm, nước giải khát đường phố là giá rẻ, nhưng quy trình chế biến có đảm bảo hay không, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không thì không ai biết.

 Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa

Đề cập tới loại thực phẩm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao nhưng nhiều cửa hàng dù có vị trí rất nhếch nhác vẫn thu hút đông khách. Đằng sau nhiều loại thực phẩm được bày bán đa dạng tại vỉa hè với mùi vị thơm phức ấy cả một “công nghệ phù phép”. Chưa kể là khi ngồi “thưởng thức” ở vỉa hè, các “thượng đế” còn được “khuyến mãi” bụi đường, các loại vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải. 

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì... Hơn nữa, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... tồn dư trong các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 263 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại.

Tăng cường kiểm soát thức ăn đường phố

Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình không có địa điểm cố định nên khó kiểm soát. Theo phân cấp quản lý của Thông tư 47 năm 2014 Bộ Y tế về việc Hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì việc quản lý thức ăn đường phố do xã, phường, thị trấn tiến hành là chủ yếu. Song, quá trình kiểm tra cũng chỉ thiên về nhắc nhở, xử phạt ít và số tiền xử phạt cũng không cao.

Đặc biệt, ở nhiều nơi, việc tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở kính doanh thức ăn đường phố chưa cao. 

Quá trình thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm không dễ dàng, bởi người kinh doanh có tư tưởng đối phó, khi có lực lượng kiểm tra thì thực hiện nghiêm nhưng khi lực lượng chức năng rời đi là tái diễn vi phạm... Vì vậy, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, đồng thời phổ biến quy định hiện hành trong các đợt kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh về “10 nguyên tắc vàng” trong chế biến thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị; cung cấp thông tin về các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn. Thông qua các hoạt động đó, kiến thức và nhận thức về an toàn thực phẩm của nhà quản lý, người kinh doanh, người tiêu dùng đã tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện.

Đối với người tiêu dùng cần cảnh giác với một số loại thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh cao như xúc xích, chân gà nướng, hoa quả dầm… Xúc xích thường phải sử dụng chất bảo quản tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh.

Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit. Chất này vừa bảo quản thực phẩm lâu vừa làm xúc xích tươi, đỏ màu. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu hóa, chất này sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo thành chất gây ung thư nitrosamine ở ruột.

Chân gà phần lớn là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lâu ngày tiêu thụ không hết lại bảo quản không đúng kỹ thuật nên dễ bị hư hỏng, biến chất, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao. Các loại hoa quả dầm chủ yếu là các loại hoa quả xanh, có vị chua như xoài, cóc, dứa … có lượng axit lớn, khi ăn quá nhiều trong thời gian dài dễ dẫn đến thừa axit dạ dày, bên cạnh đó, các loại quả trộn với bột ớt không rõ nguồn gốc, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm là khó tránh khỏi.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, chúng ta cần đặc biệt chú ý, không nên mua và sử dụng thức ăn như bánh rán, nem rán, chả cá, chả mực rán… được chiên trong chảo dầu mỡ đã được rán lại nhiều lần vì hóa chất trong dầu mỡ chiên, rán lại nhiều lần dễ gây ung thư cho người sử dụng.

Khi mua các loại thực phẩm như bánh cuốn, phở, bún…, nên lựa chọn thực phẩm được che đậy, bảo quản vệ sinh, ở nơi có địa chỉ tin cậy; không nên mua sản phẩm có mùi vị lạ hay quá chua.

Đối với các loại thực phẩm: chả giò, thịt quay, xúc xích, chân giò muối, lạp xưởng…, nên chọn mua ở các địa chỉ đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có mùi tự nhiên, không có màu sắc khác thường; nhãn mác đầy đủ, còn hạn sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang