Nhà báo, nhạc sĩ, cầu thủ “sính” Hà Nội hơn tỉnh lẻ?

author 08:25 10/11/2012

(VietQ.vn) – Số lượng bài báo và các bài hát về Hà Nội vượt quá xa so với tỉnh lẻ. Vì nhà báo và nhạc sĩ cũng “sính” Thủ đô hơn?

Lời Tòa soạn: ASIAD 2019 được tổ chức tại Hà Nội, dự Luật Thủ đô gây tranh cãi tại nhiều nơi vì hạn chế nhập cư…Một câu hỏi được nhiều đặt ra lúc này là phải chăng, chúng ta đã dành cho Hà Nội quá nhiều đặc ân, mà “quên” không san sẻ những phần đáng ra phải có cho những địa phương khác (chúng tôi tạm gọi là tỉnh lẻ, nhưng không có ý miệt thị).

Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu loạt bài: “Hà Nội được ưu ái hơn tỉnh lẻ như nào?”.

Với các nội dung chính như “Nhà báo, nhạc sĩ sính Hà Nội hơn tỉnh lẻ”, “Ngân sách cấp cho Hà Nội gấp rất nhiều lần tỉnh lẻ”, “Nhiều người dân Hà Nội không đồng tình với luật Thủ đô”, “Những ngôi nhà chọc trời đua nhau mọc nơi hạn chế nhập cư”…với mong muốn các nhà chức trách cần làm tốt hơn nữa khâu quản lý đô thị, thực hiện sự công bằng – hài hòa hơn khi cấp phát ngân sách, và đặc biệt là các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin hơn trước khi có ý định bấm nút thông qua dự luật Thủ đô đang khiến nhiều người bức xúc.

Hồ Tây, một địa danh lãng mạn cho các nhạc sĩ. Nhưng các tỉnh khác cũng có nhiều cảnh đẹp, sao lại ít bài hát hay? Ảnh: internet
Hồ Tây, một địa danh lãng mạn cho các nhạc sĩ. Nhưng các tỉnh khác cũng có nhiều cảnh đẹp, sao lại ít bài hát hay? Ảnh: internet

Vì đâu Hà Nội có nhiều bài hát hay hơn tỉnh lẻ?

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, TS Nguyễn Bình Định, phó Viện trưởng viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng, sở dĩ Thủ đô có nhiều bài hát hay hơn các tỉnh khác vì phần đông các nhạc sĩ giỏi sống ở Hà Nội; nơi đây lại có nhiều phong cảnh, con người, điều kiện về vật chất…cho các nhạc sĩ sáng tác.

Mặc khác, nhiều nhạc sĩ hiện nay “ngại” về các địa phương sáng tác, không như những năm tháng kháng chiến, vết chân người nghệ sĩ đi khắp dải đất hình chữ S này.

Bởi vậy, theo TS Định, để khắc phục sự “lệch lạc”, các tỉnh khác cần phát động phong trào sáng tác nghệ thuật, mời các nhạc sĩ giỏi về tỉnh sáng tác, hoặc có cơ chế đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác, ca ngợi quê hương…

Tuy nhiên, điều khó khăn không chỉ nằm ở việc một số nhà quản lý chưa thực sự coi trọng mảng văn hóa nghệ thuật, mà ở chỗ, nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay đang chạy theo thị trường, viết những bài hát “mỳ ăn liền”, khiến công chúng dễ quên.

Còn các nhạc sĩ đã có tuổi, tuy có kinh nghiệm, có kỹ thuật, có cảm xúc sâu…nhưng lại chưa thực sự bắt kịp nếp sống của giới trẻ và thời đại. Thế nên mới có hiện tượng, bài hát mà những nhà chuyên môn bình chọn là hay thì không được công chúng đón nhận và ngược lại.

Nên theo TS Định, bên cạnh các chương trình ca nhạc nên có phần để các chuyên gia phân tích, định hướng khán giả hiểu thế nào là hay, thế nào là chưa hay…

Tin tức về Hà Nội áp đảo tin tỉnh lẻ

Đọc nhiều tờ báo hiện nay, người ta dễ nhận ra việc, Hà Nội chỉ cần có một cái cây đổ ngang đường, một cột điện cháy…là đã lên báo, được đăng ở hẳn mục tin chính, mục xã hội hoặc thời sự.

Nhưng đời sống của người dân miền núi ra sao, những bức ảnh hiện tại của người dân các tỉnh như nào…thì không phải ngày nào cũng có trên các báo, nhất là các báo điện tử.

Giải thích điều này, một Thư ký Tòa soạn của một tờ báo Trung ương cho rằng, vì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thị trường lớn của báo chí, với số lượng người đọc báo nhiều nhất, nên thông tin phải ưu tiên cho hai địa phương này.

Mặt khác, không ít nhà báo hiện nay đang có xu hướng salon, thích dự các cuộc họp hơn là lăn mình vào cuộc sống, thích có nhiều tiền hơn là khát vọng đem lại công bằng cho người dân...

“Nhưng có những tờ báo được cấp ngân sách hằng năm. Nhiệm vụ là phải thông tin về tình hình mọi miền, sao lại chỉ hợp tác với các Thành phố lớn để tuyên truyền thông tin?” – một nhà báo ở Hà Nội thắc mắc.

Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam, một số tờ báo sử dụng ngân sách đã và đang ký kết hợp tác, tuyên truyền thông tin với UBND TP Hà Nội.

“Cõng trái bóng” lên vùng cao

Là một tỉnh có phong trào thi đấu bóng đá nam và nữ rất mạnh, nhưng nhiều năm nay, gần như không có lúc nào Quảng Ninh được đội tuyển Quốc Gia chọn là nơi thi đấu giao hữu hoặc đá trong các giải lớn.

Đến bao giờ, người dân tỉnh lẻ mới được thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ, mới được xem tận mắt các tuyển thủ quốc gia thi đấu? Ảnh: internet
Đến bao giờ, người dân tỉnh lẻ mới được thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ, mới được xem tận mắt các tuyển thủ quốc gia thi đấu? Ảnh: internet

Theo một số người hâm mộ nơi đây thì “ngân sách đầu tư cho đội tuyển quốc gia cũng có phần thuế của người dân Quảng Ninh, nhưng tại sao đội tuyển lại hiếm khi thi đấu ở tỉnh lẻ, mà chỉ “quanh quẩn” ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh?”.

Báo chí đã đưa tin, nhiều người dân ngoại tỉnh, muốn có vé xem đội tuyển quốc gia thi đấu, phải đến Hà Nội từ nửa đêm, chầu trực ở sân Mỹ Đình để mua vé.

Năm 2010, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các đoàn văn nghệ thuộc Bộ, dịp Tết Nguyên đán, phải đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, không được biểu diễn ở Hà Nội.

Nhiều người dân cũng mong Tổng cục Thể dục Thể thao sớm “cõng trái bóng” lên vùng cao, đi ra ngoài phạm vi Hà Nội, để người dân các tỉnh khác được dịp chiêm ngưỡng các tuyển thủ quốc gia thi đấu bằng xương, bằng thịt, chứ không chỉ mãi mãi xem qua màn hình tivi.

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang