Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

author 20:01 04/04/2016

(VietQ.vn) - Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo số 667/TB-TTCP thông báo kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 527/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo quy định mới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

bảo hiểm tiền gửi việt nam

Theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Quyết định 527/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1TV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Riêng việc tổ chức, quản lý, điều hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định tại Chương III Điều lệ này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty TNHH 1TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cũng theo quy định vừa được sửa đổi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các khoản chi mang tính chất lương theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH 1 TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã  hội phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn căn cứ cơ chế tài chính đối với Công ty TNHH 1 TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các đặc thù hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo số 667/TB-TTCP thông báo kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm từ khâu lập và chấp hành kế hoạch tài chính, quản lý chi phí và sử dụng nguồn vốn tạm thời đầu tư.

Cụ thể, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã vi phạm trong việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính năm 2011-2013.

Đồng thời không chấp hành nghiêm túc kế hoạch tài chính, kế hoạch mua sắm tài sản cố định được Bộ Tài chính giao. Năm 2011-2012 chi vượt kế hoạch nhưng không báo cáo, không được Bộ Tài chính chấp thuận số tiền trên 45,6 tỷ đồng.

Năm 2012-2013 chi vượt mức cho trang phục giao dịch gần 3,5 tỷ đồng, chi công tác phí năm 2012 đi nước ngoài vượt 380 triệu đồng, chi vượt 1,24 tỷ đồng chi phí đào tạo tập huấn trong nước năm 2011.

Không chỉ vậy, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn vi phạm quy định của Bộ Tài chính và quy chế nội bộ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đối với các khoản chi hoạt động như: năm 2011 chi trang phục giao dịch vượt quy định 1,39 tỷ đồng; chi mua điện thoại và tiền cước di động không đúng đối tượng quy định là hơn 1 tỷ đồng; chi mua vali, cặp công vụ sai quy định là trên 3,2 tỷ đồng.

Đồng thời chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị, tuyên truyền, quảng cáo vượt quy định (7%) là gần 11 tỷ đồng; chi quà hội nghị hội thảo là trên 700 triệu đồng; vi phạm Luật Kế toán đối với chứng từ công tác phí của các đoàn đi dự hội nghị, hội thảo là trên 5,3 tỷ đồng, chi tiếp khách trên 22,6 tỷ đồng; thanh toán tiền công tác phí vượt số ngày quy định số tiền trên 321 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chưa thực hiện nghiêm túc quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí như chi thuê bảo vệ chuyên nghiệp tại trụ sở là 678 triệu đồng, chi mua cốc pha lê, lọ hoa, bút gỗ làm quà tặng là gần 4 tỷ đồng.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng đã thực hiện thủ tục thuê, ngăn phòng trụ sở sai quy định. Việc thuê trụ sở làm việc tại 109 Trần Hưng Đạo năm 2012 sai về thủ tục đấu thầu, thẩm định giá. Hạng mục ngăn phòng làm việc năm 2014 có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng như ký hợp đồng xây lắp, chỉ định thầu sau khi nhà thầu đã khởi công...

Đáng chú ý, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã vi phạm việc xây dựng đơn giá tiền lương và trích lập quỹ lương. Việc làm không đúng quy định đã làm sai tăng quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi trong 3 năm từ 2011-2013 là trên 48 tỷ đồng.

Đối với sai phạm trong việc chi lương tăng thêm, chi thưởng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chi lương tăng thêm năm 2010 với hai thành viên hội đồng quản trị chuyên trách bị xử lý kỷ luật sai quy định là trên 785 triệu đồng, chi vượt tổng quỹ lương của hội đồng quản trị năm 2010 cho hai thành viên chuyên trách là 44,3 triệu đồng.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn trích lập quỹ khen thưởng hội đồng quản trị vượt mức 3 tháng lương thực tế là 533 triệu đồng, chi thưởng danh hiệu cho tập thể, cá nhân vượt mức quy định là trên 7 tỷ đồng, chi thưởng ngoài ngành năm 2013 cho các cá nhân, tập thể và ngày nghỉ lễ, tết là trên 2 tỷ đồng không đầy đủ chứng từ, không ký nhận theo quy định.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một loạt sai phạm khác tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam liên quan tới công tác tài chính khác.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang