Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Kinh doanh xuất bản phẩm lúc này là vô cùng liều lĩnh!

author 09:37 30/03/2021

(VietQ.vn) - Nhà thơ Đặng Thiên Sơn là cây viết trẻ có tiếng trong đời sống văn học hiện nay, đồng thời là giám đốc một công ty xuất bản uy tín. Ông đã có những chia sẻ về lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm với Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn).

PV: Là một nhà thơ trẻ có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ lại là chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, vậy làm thế nào để ông cân bằng được giữa việc kinh doanh và sáng tác thơ ca?

 
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, sinh năm (1983) tại Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ông tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn K28, tại trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp đại học ông đi dạy tại trường THPT Quy Nhơn. Sau 2 năm làm nghề giáo, ông nghỉ dạy và bước vào công tác tại các đơn vị truyền thông, xuất bản. Ông đã sáng lập nên Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông quốc tế VFS - một công ty uy tín tại Hà Nội trong lĩnh vực xuất bản phẩm.
 

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Với tôi thơ ca là một cuộc chơi nghiêm túc. Chơi bởi tôi yêu thơ, thích thơ, la cà với thơ ca như người ta thích đi câu, đi đá bóng, đi bơi hay chơi tennis. Nghiêm túc bởi tôi lấy thơ làm thế mạnh cho con đường sáng tác của mình. Tôi yêu thơ và sống với thơ có trách nhiệm, chứ không chỉ để lớt phớt cho vui. Tuy tài mọn nhưng tôi sẽ gắng viết được gì đó gặp được sự đồng cảm với mọi người.

Kinh doanh là để tôi có được thu nhập duy trì sự sống cho bản thân và gia đình. Tôi kinh doanh cũng như người ta chạy grab, dạy học hay đi làn thợ xây vậy thôi. Phải làm để sống chứ. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ” cơ mà. Giá trị của thơ không ở vật chất mà nó là tinh thần.

Để cân bằng giữa thơ ca và kinh doanh không còn cách nào khác là phải luôn suy nghĩ để viết được những câu thơ hay, một câu thơ hay cả ngày vui vẻ, sảng khoái làm việc gì cũng thành. Ngược lại kiếm được tiền thì mình sẽ an tâm mà làm thơ. Vậy nên, tôi phải cố gắng hàng ngày để làm tốt cả hai việc.

Tôi đến với kinh doanh xuất bản phẩm bằng con đường dích dắc. Tôi học văn, biết làm văn, viết báo, rồi thân quý với những người làm sách, tôi theo họ đi làm sách, làm nhiều năm tôi học được nghề và muốn thử sức mình khi đứng ra độc lập.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Kinh doanh xuất bản phẩm lúc này là vô cùng liều lĩnh

 Nhà thơ Đặng Thiên Sơn - Ảnh Đàm Tuân.

PV: Năm vừa qua là một năm khó khăn khi tình hình dịch Covid 19 trên thế giới diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Là chủ doanh nghiệp ông đã gặp những khó khăn gì?

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Thực ra dịch Covid không ảnh hưởng nhiều đến ngành xuất bản. Bởi xuất bản không phải ngành nghề cấp thiết, giao dịch của ngành xuất bản cũng không nhất thiết mặt đối mặt nên vẫn sống được. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng chung của dịch cũng làm cho chi tiêu của mỗi nhà, mỗi người chắt bóp hơn và việc giảm sút lượng sách phát hành là có, nhưng không đến mức báo động. Thay vào đó thời gian nghỉ giãn cách ở nhà mọi người có điều kiện để viết, để đọc cũng phần nào giúp ngành xuất bản không đến mức thảm hại như các ngành khác.

PV: Có câu “thương trường như chiến trường” là một nhà thơ làm kinh doanh ông có những ưu điểm gì so với các doanh nhân trong cùng lĩnh vực?

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Giờ ai cũng làm kinh doanh, người lớn làm kinh doanh lớn, người nhỏ làm kinh doanh nhỏ. GDP của nước ta đang tiến dần đến tỷ trọng dịch vụ chiếm ưu thế nên cái “chiến trường” như bạn nói, giờ cũng không nguy hiểm lắm đâu. Thật ra như đơn vị chúng tôi vì luật quy định thì phải lập doanh nghiệp, nhưng quy mô hoạt động cũng chỉ là một “gánh hàng”. Mấy thầy trò líu ríu bảo ban nhau cùng làm, cùng phát triển. Thế mạnh của tôi là biết làm thơ, bạn bè nhiều, lại phổ rộng trên cả nước nên rất thuận tiện để tìm kiếm khách hàng qua những người bạn. Thêm nữa làm thơ thì luôn nhìn đời nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Vì vậy mà tâm hồn lúc nào cũng phơi phới.

PV: Điều gì khiến ông mạo hiểm vào việc kinh doanh lĩnh vực sách khi ông thừa hiểu đây là lĩnh vực đầy rủi ro và gian nan?

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Đúng như bạn nói. Kinh doanh xuất bản phẩm lúc này là vô cùng liều lĩnh. Nhưng, nếu chúng tôi không liều thì nền xuất bản sẽ đứt gãy, sách vở sẽ khan hiếm. Và với những người đã sống với sách, yêu sách lại vừa sáng tác như tôi, thấy văn hóa đọc cứ mai một đi buồn lắm. Nên kinh doanh xuất bản phẩm như là cái nghiệp, như là đam mê, là sở thích. Mà cái gì thích thì lời lãi đã được đặt phía sau. Cuối cùng chúng ta kiếm tiền cũng chỉ để thỏa mãn sở thích cơ mà. Nên tôi chọn làm phu chữ.

PV: Gần đây xuất hiện nhiều doanh nhân làm thơ, viết văn. Từ trước tới nay doanh nhân và nhà thơ được nhìn nhận là hai lĩnh vực khác nhau hoàn toàn. Phải chăng dưới áp lực của thương trường các doanh nhân tìm đến thơ ca để giải tỏa tâm lý, giảm stress. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Cái này là mọi người áp đặt thôi. Theo tôi việc doanh nhân làm thơ hay nhà thơ làm doanh nhân cũng không hề ảnh hưởng đến nhau. Lưu ý là thơ đúng nghĩa nhé, chứ kiểu hò vè lèm bèm thì không tính. Vì viết được bài thơ mà mọi người tâm đắc phải gian khổ lắm. Vừa phải có học thức, có trải nghiệm, thể nghiệm chứ không phải cứ nói là ra thơ. Còn những người nói ra thơ là họ nói vè đấy. Ở ta cứ cái gì có vần điệu thì tưởng nó là thơ. Nhưng không phải vậy, thể thơ và thơ khác nhau hoàn toàn. Mượn thể thơ để ghép vần là chưa phải thơ. Làm bài thơ hay còn khó hơn làm kinh doanh.

Một số trường hợp doanh nhân có làm thơ cũng là điều bình thường thôi. Như tôi đã nói ở trên, thơ là một cuộc chơi, họ không đi câu, không đi đá bóng thì họ làm thơ. Vui mà!

PV: Năm 2021 là một năm dự định còn nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội mới mở ra. Ông đã có những dự định, kế hoạch gì cho năm 2021 này trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm?

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Ở thời điểm này dịch bệnh đang hoành hành, dự định cũng chỉ là tạm thời mình vạch ra thôi. Tôi có mong ước xây dựng một ngân hàng bản thảo, kết nối người bán và người mua với nhau. Để làm sao cả người sáng tác và người bán sách phải sống được bằng nghề. Từ đó mới mong có được sách hay, sách chất lượng. Ngoài ra năm nay tôi sẽ cố gắng kết nối với các doanh nghiệp khác triển khai các dự án về văn hóa đọc dành cho các em học sinh vùng nông thôn. Về sách tôi chọn đầu tư và triển khai một số gói có liên quan đến giáo dục. Vì tôi yêu học sinh, không đi dạy được thì mong đóng góp cho các em những cuốn sách đáng đọc.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đàm Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang