Nhân chuyến thăm của ông Obama: Kể vài điều về nước Mỹ, con người Mỹ

author 17:38 23/05/2016

(VietQ.vn) - Nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, viết một vài dòng về văn hóa Mỹ và con người Mỹ.

Sự kiện: Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam

Một sự thật không thể chối cãi: Người châu Á ta rất yêu văn hóa Mỹ,  ngưỡng mộ sự phồn thịnh và chuộng tính cách con người Mỹ. Tôi đã gặp vài người Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí Nhật Bản, họ luôn háo hức và tự hào về việc đã từng sống ở Mỹ, có quen vài anh bạn Mỹ. Điều đó cũng dễ hiểu.

Nhưng người dân Việt Nam cũng có tình cảm đó thì là điều rất đặc biệt.

Tôi cũng vậy, rất quý trọng người Mỹ. Tôi có một người bác chết vì bom Mỹ. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến tình cảm tôi dành cho nước Mỹ....

Tôi đã đi vào nhà thờ, ăn tối ở hàng chục gia đình Mỹ, tìm hiểu lối sống, cách nghĩ, cách họ tiếp khách mới hiểu người Mỹ nhiệt tình, cởi mở và đáng yêu đến khủng khiếp. 

Một lần tôi lên lớp không ăn sáng, tôi kêu đói quá. Cô giáo Mỹ liền lật đật chạy đi lấy bánh cookie trong tủ lạnh của khoa và đưa cho tôi. Điều này quá bất ngờ vì tôi không phải kêu đói để được ai đó cho bánh. Nhưng bà nói: Ở Mỹ, thật ít khi người ta kêu đói trước mặt phụ nữ. Vì phụ nữ được quy ước là phải chăm lo thức ăn. Nếu ai đói trước mặt, phụ nữ Mỹ cảm thấy rất đau khổ và có tội nếu họ không thể đưa thức ăn ra ngay. Nước Mỹ sẽ xấu hổ nếu để một ai đó sống trong lòng mình phải chịu đói, nhất là một vị khách. 

Một lần khác, tôi đến ăn tối ở nhà một thầy giáo, vốn là một cựu binh Mỹ (từng đến Việt Nam). Trong khi ăn, tôi vô ý đánh đổ ly rượu vang đỏ ra bàn ăn. Ông ấy không quan tâm đến cái ly, cũng như cái khăn trắng phủ bàn. Ông lấy cái khăn giấy lau tay và áo cho tôi.

 Ông Obama cho cá ăn tại ao cá Bác Hồ ngày 23/5/2016. Ảnh:Reuters

Thật cảm động khi ông lau tay cho tôi, sợ mảnh vợ cái ly cứa vào da tôi. Mà tôi là ai chứ? Chỉ là một người Việt Nam nhỏ nhoi, không tên không tuổi

Cách người Mỹ giáo dục lòng yêu nước và ý thức dân tộc cũng có nhiều khác biệt. Họ cứ dẫn học sinh, sinh viên và khách quốc tế đi thăm quan, ăn uống, chơi bời để cho người ta hiểu và tự cảm. .

Ví dụ, họ đưa chúng tôi đến nghĩa trang quốc gia Arlington ở Washington DC, chúng tôi sẽ tự hiểu ra sự hy sinh và tầm vóc của nước Mỹ đối với thế giới, cũng như nước Mỹ đã tôn vinh người có công ra sao. Họ không hề nói một câu nào đao to búa lớn.

Ở một xã hội mở như Mỹ, nhân tài và những ý tưởng sáng tạo rất dễ được tỏa sáng.

Các bạn thế hệ 8X, 7X hẳn còn nhớ phim Kill Bill nổi tiếng một thời? Sự ra đời của nó chứng minh cho tinh thần cởi mở, thượng tôn khoa học và chân lý của người Mỹ. Cái gì đúng và có lợi thì làm.

Đạo diễn và tác giả kịch bản của phim đó là một anh chàng bán băng đĩa vô danh. Anh ta xem nhiều phim võ thuật và hành động đủ thể loại (kiếm thuật Nhật, võ Tàu, cao bồi...) nên nảy ra ý tưởng ghép tất cả các loại võ đó vào một phim và bắt đầu viết kịch bản. Anh ta đi bán ý tưởng đó cho các nhà sản xuất. Và thế là Kill Bill ra đời.

Cuộc đời của Arnold Kẻ Hủy Diệt cũng vậy. Từ một kẻ lưu vong vô danh nói tiếng Anh bị ngọng đến thống đốc bang California là một chặng đường thần kỳ. Chặng đường đó phản chiếu rất rõ nét tinh thần Mỹ, con người Mỹ và văn hóa Mỹ. Và nó cũng chỉ có thể xảy ra ở Mỹ mà thôi.

Obama là tổng thống diễn thuyết hay. Theo như thầy giáo Mỹ của tôi nói thì khả năng ngôn ngữ của ông đạt Level 5+ (theo thang 6 bậc). Tôi ngưỡng mộ điều này.

Trong sách Audacity of Hope, ông nói: "Hai nước láng giềng nằm cạnh nhau, lịch sử, địa lý như nhau là Pakistan và Ấn Độ. Pakistan vẫn nghèo đói mà Ấn Độ lại giàu lên là do đâu? Là vì dân Pakistan còn chưa rộng mở tấm lòng, đố kỵ ghen tuông với người giàu. Thấy một người giàu đi oto, ở nhà sang trọng, người cha Pakistan sẽ bảo con: Sau này lớn, con hãy đốt nhà, giết hết bọn họ đi! Người cha Ấn Độ thì nói: Này con, sau lớn con hãy cố học và phấn đấu sao cho được sống như họ. 

Ý này thật hay. Tôi liên tưởng đến hồi tôi còn là đứa bé thiếu ăn, tôi cũng muốn chém giết kẻ giàu có, nhìn họ với con mắt căm thù. Ai hun đúc cách nghĩ này cho tôi? Chính là cha tôi và dân làng quê tôi. Bố tôi, như một nạn nhân của vô minh, từng nói: Kẻ giàu có là kẻ thù của chúng ta. Không thể nào và không thèm chơi với chúng. Chỉ có dân nghèo mới là bạn bè của ta thôi. Gặp nhà giàu ở đâu, phải biết căm thù và tránh xa.

Thời gian đã đổi thay cách nghĩ của tôi: Phải kết thân với nhà giàu thì mới mong học cái khôn của họ và có những cái họ đang có.

Có lẽ dân làng xóm quê tôi, và chính cha tôi cũng thay đổi giống tôi chăng?

Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam: Cập nhật tin tức mới nhất(VietQ.vn) - Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam - Cập nhật những tin tức mới nhất về chuyến thăm làm việc của thổng thống Obama tại Việt Nam

Sang Đỗ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang