Nhân rộng thành công năng suất chất lượng ở các nước châu Á

author 09:58 16/04/2014

(VietQ.vn) – Từ một dự án thực hiện, khi thành công sẽ lan toả sang không chỉ một nước mà ở nhiều nước khác nhau.

Sự kiện:

Quang cảnh phiên họp APO 56

Quang cảnh phiên họp APO 56. Ảnh: N. N

Trả lời câu hỏi của báo giới bên lề Phiên họp ban chấp hành APO lần thứ 56 mới đây, ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Giám đốc APO Việt Nam cho biết, tổ chức năng suất châu Á – APO được thành lập vào năm 1961 và kể từ đó tới nay, có rất nhiều nước châu Á trở thành thành viên của tổ chức này. Như tên gọi của tổ chức, nên các hoạt động chỉ tập trung vào nâng cao năng suất của các nước thành viên.

Việt Nam tham gia vào tổ chức này từ năm 1996 và trở thành thành viên rất tích cực của tổ chức APO.  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan chủ trì tham gia làm thành viên và Trung tâm Năng suất Việt Nam được giao là cơ quan đầu mối thực hiện các chương trình/dự án APO tại Việt Nam.

18 năm qua, thông qua các chương trình hoạt động của APO, đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng của Việt Nam đã được phát triển và ngày càng mở rộng, hàng nghìn tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với các công nghệ quản lý tiên tiến và được chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất chất lượng với các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Ngô Quý Việt cho biết, hằng năm, tất cả các nước họp lại một lần và bàn kế hoạch cho năm tiếp theo. Gần đây, APO đổi hướng hoạt động, thay vì thực hiện các dự án, hỗ trợ cho một nước. Nay APO đã chuyển hướng, tập trung vào các dự án có nhiều nước tham gia. Làm như vậy có thể giúp trao đổi kinh nghiệm giữa các nước và khi dự án thành công sẽ thắng lợi ở một số nước chứ không chỉ ở một nước.

Đối với Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp việt Nam đến năm 2020”. Điều quan trọng trong đó là phải nâng cao năng suất, chất lượng áp dụng công cụ quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra là: Người nào truyền bá, hướng dẫn các công cụ ? và kinh phí như thế nào để tổ chức hệ thống hoặc áp dụng các công cụ quản lý chất lượng như thế.

Ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Giám đốc APO Việt Nam. N. N

Chương trình Quốc gia Nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp việt Nam đến năm 2020 được thực hiện từ năm 2010 tuy nhiên bắt đầu đi vào thực tế hoạt động lại từ 2012. Hiện nay đang ở giai đoạn, tập trung đào tạo chuyên gia, mở các lớp đào tạo. Một số doanh nghiệp xung phong trở thành doanh nghiệp điểm. Trong giai đoạn vừa qua, không may kinh tế doanh nghiệp đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng, suy thoái kinh tế chung toàn cầu, các lãnh đạo doanh nghiệp tập trung vào việc lo đủ lương, thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Tính đến nâng cao năng suất, áp dụng các công cụ quản lý… không được quan tâm nhiều. Chính vì thế, giai đoạn này, cơ quan chức năng đang vận động các doanh nghiệp, dù khó khăn đã có nhiều doanh nghiệp cố gắng để xung phong áp dụng công cụ, phương tiện quản lý mới. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các mô hình 5S, Kaizen, ISO 9000, Lean 6 Sigma… Giai đoạn tới sẽ mở rộng các mô hình như vậy. Giai đoạn đầu các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí còn giai đoạn sau các doanh nghiệp phải tự làm. Các chuyên gia đã được đào tạo ở giai đoạn I sẽ trở thành những người hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Các doanh nghiệp như Traphaco, dệt 10/10, Ngân hàng Quân đội, Viettinbank, Công ty bay Miền Bắc… đã thúc đẩy việc áp dụng các công cụ quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ, đang đẩy mạnh áp dụng 5S vào doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và đỡ tốn thời gian cho cán bộ. Dù điều đó nó chưa thể hiện ra bằng tiền nhưng đã tiết kiệm được thời gian và hiệu quả công việc tốt hơn.

Ngoài ra, ông Ngô Quý Việt cũng cho biết, hàng năm, APO có tổ chức các lớp và Việt Nam có cử người tham gia. Ngoài ra, APO cũng cử chuyên gia đến từ các nước tiên tiến, hiện đại như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để giảng dạy về các công cụ quản lý chất lượng cho phía Việt Nam.

Hội nghị hàng năm đều hướng tới các vấn đề chung sau đó là chia sẻ những kinh nghiệm hay của các nước để có thể từ đó các nước học hỏi lẫn nhau. Việt Nam đang hướng vào học tập kinh nghiệm làm năng suất chất lượng từ các nước tiên tiến, phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapore. Tại các nước này, từ người dân đã ý thức việc làm năng suất và chất lượng như thế nào. Cụ thể tại Singapore, từ những năm 70, lãnh đạo chính phủ nước này đã có chủ trương: Năng suất chất lượng là chìa khóa của thành công. Chủ trương này được nhân rộng và thúc đẩy hàng năm, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải nâng cao năng suất, chất lượng. Điều đó cho thấy, lực lượng làm năng suất chất lượng rất cần thiết nhưng nhận thức và chỉ đạo của các lãnh đạo đặc biệt cần thiết bởi vì lãnh đạo cấp cao đã thấy được, yêu cầu cấp dưới thực hiện sẽ tốt hơn nhiều lần so với việc miệt mài đi tuyên truyền, kêu gọi. Khi các nguồn lực dần dần bị hạn chế lại, không có cách nào khác là phải đi lên bằng năng suất, chất lượng…

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang