Nhập viện vì lạm dụng thuốc giảm đau có chứa Corticoid

author 16:45 19/02/2024

(VietQ.vn) - Corticoid là thành phần chính trong thuốc giảm đau, có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, nếu sử dụng corticoid kéo dài có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tiếp nhận bệnh nhân có tên Tuấn 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng chân phải nhiễm trùng, vết thương bốc mùi hôi, có mủ. Theo ThS. BS Hoàng Thị Hồng Linh (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) vết thương hoại tử khiến ông Tuấn sốt, mệt li bì, nôn ói nhiều, ăn uống kém, suy kiệt. Hai chân của ông bị teo cơ; vùng bụng, mặt và gáy tích nhiều mỡ; da khô mỏng; nhiều vết xuất huyết dưới da.

Chân phải của ông Tuấn bị nhiễm trùng vì lạm dụng corticoid. Ảnh: Đinh Tiên

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy người bệnh bị hội chứng Cushing (bệnh nội tiết), suy tuyến thượng thận, thiếu máu mức độ nặng. Ông còn bị sỏi kẹt ở niệu quản trái gây thận ứ nước, tổn thương thận cấp, gout.

Theo đó, triệu chứng hội chứng Cushing gồm tăng cân nhanh; tụ mỡ ở mặt, gáy, bụng, ngực; da mỏng; giãn mạch dưới da; vết rạn da màu đỏ tím... Trường hợp nặng có thể rạn da toàn thân, vết thương chậm lành dễ nhiễm trùng, tăng huyết áp, loãng xương. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng loãng xương, gãy xương, tiểu đường type 2, hệ miễn dịch suy giảm, yếu cơ, tăng huyết áp... Khi ngừng uống thuốc đột ngột, cơ thể thiếu hụt hormone cortisol gây suy tuyến thượng thận cấp, đe dọa đến tính mạng.

ThS. BS Hoàng Thị Hồng Linh cho biết, ông Tuấn bị hội chứng Cushing do uống thuốc giảm đau có chứa corticoid trong thời gian dài, làm ức chế tuyến thượng thận. Ông ngừng thuốc đột ngột dẫn đến suy tuyến thượng thận cấp với chỉ số hormone cortisol thấp. Thậm chí tổn thương thận cấp có thể chuyển sang suy thận mạn và phải chạy thận nhân tạo.

"Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng dẫn đến suy đa tạng, hạ huyết áp, tử vong nếu không được điều trị kịp thời" BS Hoàng Thị Hồng Linh cảnh báo.

Được biết, ông Tuấn 6 năm trước bị viêm xương khớp, đau nhức đầu gối và mắt cá chân. Đi khám ba lần nhưng bệnh không khỏi hẳn, ông mua thuốc giảm đau của một người trong xóm, tự tăng liều mỗi khi đau nhiều hơn.

Nhập viện ông được bù nước, điện giải và dinh dưỡng, kháng sinh, giải quyết tắc nghẽn đường tiểu dưới, truyền máu, cắt lọc mô hoại tử và chăm sóc vết thương hàng ngày. Khi nhiễm trùng ở hệ tiết niệu giảm, bác sĩ nội soi tán sỏi niệu quản. Sau hai tuần, vùng da ở vết thương lành, ông hết nôn ói và nhiễm trùng, được xuất viện.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị biến chứng do lạm dụng corticoid, tại Phú Thọ cũng đã tiếp nhận một trường hợp tương tự. Theo ThS. BS Đỗ Thị Tư (Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) đã hội chẩn, điều trị nhiều trường hợp người bệnh có hội chứng Cushing do lạm dụng thuốc kèm theo các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp.

Theo đó, bệnh nhân nam L.B.T 69 tuổi, ở huyện Lâm Thao nhập viện tại khoa cơ xương khớp. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, gout hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người bệnh không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế mà thường xuyên tự dùng các thuốc tễ, tự ý tiêm khớp để điều trị các đợt gout cấp. Nhưng bệnh chưa thấy thuyên giảm thì người bệnh đã xuất hiện tăng cân, mặt to, bụng to, chân tay teo, rạn da, đường máu cao, huyết áp cao khó kiểm soát, đau khớp chân nhiều.

Sau khi khám và thực hiện các cận lâm sàng, kết quả cho thấy người bệnh có đường máu rất cao (39,23 mmol/l), rối loạn điện giải (Natri 129), Urê máu cao (15.89 mmol/l). Hội chẩn chuyên khoa Nội tiết, người bệnh được chẩn đoán: Suy thượng thận do thuốc; Phụ thuộc corticoid – Đái tháo đường type 2 – Tăng huyết áp, biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 3A – Đợt cấp gút mạn.

Người bệnh được điều trị bằng glucorticoid theo phác đồ giảm liều, cùng các thuốc điều trị triệu chứng. Hiện tại, người bệnh đã ổn định được ra viện và tiếp tục khám lại tại phòng khám nội tiết theo hẹn.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi dùng thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc giảm đau chống viêm hay dùng trong các bệnh về hô hấp, cơ xương khớp, da liễu, miễn dịch dị ứng, tai mũi họng như Medrol, Menison, Hydrocortison, Kacor, Prednisolone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone,… cần phải tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa, không lạm dụng thuốc khi không có chỉ định. Không được tự ý mua và sử dụng thuốc theo lời mách hay truyền miệng, không tự điều trị theo đơn thuốc của người khác… vì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang