Nhiễm trùng do dùng hóa chất tẩy rửa tại nhà

author 22:59 12/06/2024

(VietQ.vn) - Do tiếp xúc nhiều với hóa chất tẩy rửa nhà cửa, đồ chơi, sơn tường, trộn xi măng tại nhà đã khiến không ít bệnh nhân mắc tổ đỉa, nhiễm trùng lở loét hết tay chân.

Thông tin từ Bệnh viện Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghỉ hưu, bà Q.T.D. (56 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) lấy việc chăm sóc cháu ngoại và nội trợ, dọn dẹp nhà cửa làm niềm vui. Trong lúc rảnh bà thường xuyên sát khuẩn đồ chơi, giặt quần áo cho cháu bằng tay không. Các loại nước lau sàn, nước giặt, cồn khử trùng bà đều chọn loại của thương hiệu nổi tiếng.

Mặc dù vậy, mấy tháng nay, bà D. bị nổi mụn nước ở ngón giữa bàn tay phải, đã đi khám ở một số bệnh viện, tự điều trị bằng cách giã nát lá bằng lăng tươi, đun với phèn chua đắp lên chỗ mụn nước nhưng không khỏi. Mụn nước nổi nhiều thành mảng gây ngứa dữ dội. Ngón tay sưng nóng to gấp đôi so với bình thường, liên tục chảy mủ, rỉ dịch, đau không thể co duỗi, cầm nắm.

Tương tự, ông D.Q. (65 tuổi, Đồng Nai) mắc viêm da cơ địa từ vài chục năm trước. Ông tái phát viêm da nhiều lần, từng điều trị ở nhiều nơi nhưng không dùng thuốc duy trì. Gần đây ông sơn mới tường, tự trộn vữa xây mới hàng rào quanh nhà, tổng vệ sinh nhà cửa với các loại thuốc tẩy rửa mạnh. Ông cũng có thói quen đi chân đất làm vườn và hay dùng bàn chải và nước giặt quần áo chà chân.

Sau đó, lòng bàn tay, chân nổi ban đỏ, đau rát, dày sừng, da bong tróc từng mảng lớn. Khi tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh lòng bàn tay chân người bệnh có nhiều đường nứt nẻ, rướm máu, chảy dịch, đi lại khó.

Bàn chân bị mắc tổ đỉa, nhiễm trùng do tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bà D. và ông Q. được chẩn đoán mắc bệnh tổ đỉa mạn tính, có biến chứng nhiễm trùng.

Hai người bệnh phải uống kháng sinh, kháng viêm trong 1-2 tuần để kiểm soát nhiễm trùng. Sau khi vết thương lành, người bệnh cần duy trì bôi thuốc chống ngứa, dưỡng ẩm để phục hồi hàng rào bảo vệ da. Bác sĩ cũng hướng dẫn bà D. và ông Q. đổi sữa tắm, dầu gội, nước rửa tay thành loại dành riêng cho người bị viêm da cơ địa và đeo găng bảo vệ tay khi dùng các loại hóa chất tẩy rửa khi vệ sinh nhà cửa hoặc khi làm vườn.

Tuy nhiên, quá trình hồi phục da về bình thường có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng, bác sĩ Bích cho biết. Ngón tay của bà D. và lòng bàn chân, bàn tay ông Q. dù đã đỡ nhưng vẫn thường bong tróc da, lớp da non mỏng, dễ đau và tổn thương. Các sinh hoạt thường ngày như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp, nấu ăn cũng gặp hạn chế, bất tiện.

Theo bác sĩ Bích, nguyên nhân gây tổ đỉa phổ biến nhất là dị ứng, kích ứng với hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước giặt, xà bông, nước lau sàn, nước cọ bồn cầu); mỹ phẩm, sơn móng tay, thuốc nhuộm – uốn – tẩy tóc; hoặc hóa chất công nghiệp như sơn tường, xi măng, sơn gỗ; phân bón, thuốc trừ sâu… Các hoá chất này mài mòn, gây lở da. Da bị lở lâu ngày nhưng không được điều trị đúng cách, kịp thời dẫn đến tổ đỉa.

Nhiều người mắc bệnh nhưng không tới gặp bác sĩ mà tự điều trị, không kiêng tiếp xúc với hóa chất nên bệnh càng nặng. Các thành phần hoá chất trong hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, phân bón, hóa chất trừ sâu… vừa là nguyên nhân phát bệnh, vừa là yếu tố khiến tổ đỉa dai dẳng.

Để phòng tránh chàm tổ đỉa, bác sĩ Bích khuyên người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tất cả các loại hóa chất. Nên đeo găng tay bảo hộ, găng tay cao su khi làm việc, dọn dẹp nhà cửa, nhất là người có cơ địa dị ứng, viêm da, công nhân nhà máy hoá chất, nhân viên y tế, người dọn vệ sinh công nghiệp… Với hoá mỹ phẩm sử dụng hàng ngày, nên tránh các loại có chứa chất xút ăn da như NaOH hoặc KOH; nên ưu tiên loại có độ pH trung tính với da.

Trong khi đó, hiện nay mặt hàng nước tẩy rửa là loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người hàng ngày đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, đi kèm với sự tràn lan thì ngành hàng này đang phải đối mặt với những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thậm chí nhiều loại nước tẩy rửa tự pha chế thủ công bằng hóa chất; trong đó chủ yếu là nước rửa chén, nước lau nhà, nước tẩy nhà vệ sinh… Do được pha chế thủ công và sản xuất theo phương thức truyền thống bởi những đơn vị nhỏ nên hầu hết sản phẩm không được kiểm định chất lượng, nhãn mác không đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ và được bán với giá rẻ. Các sản phẩm này len lỏi vào thị trường, cung cấp chủ yếu đến những hàng quán kinh doanh ẩm thực bình dân, thức ăn đường phố…

Vì vậy người tiêu dùng nên tìm mua những sản phẩm đã có xét nghiệm chứng minh, thông tin chi tiết về tiêu chuẩn, đạt chứng nhận về môi trường… để đảm bảo tính an toàn trong sử dụng và sức khỏe gia đình.

Thủ tục đăng ký lưu hành đối với các sản phẩm tẩy rửa

Căn cứ Điều 27 Nghị định 91/2016/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký lưu hành đối với các sản phẩm tẩy rửa, diệt khuẩn gia dụng sẽ gồm các bước sau:

Cơ sở đăng ký lưu hành chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nộp hồ sơ đến Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế.

Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký lưu hành mới và phí thẩm định hồ sơ cho phép khảo nghiệm, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế gửi cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 04 của tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 91/2016/NĐ-CP.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế thông báo bằng văn bản cho cơ sở đăng ký lưu hành mới về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc cho phép hoặc không cho phép khảo nghiệm.

Trường hợp có yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ghi trên văn bản cơ sở đăng ký phải hoàn chỉnh hồ sơ, giải trình rõ những nội dung bổ sung, sửa đổi bằng văn bản và gửi về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế.

Nếu không còn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế phải có thông báo bằng văn bản cho cơ sở đăng ký về việc cho phép hoặc không cho phép khảo nghiệm.

Sau khi có văn bản cho phép khảo nghiệm, cơ sở đăng ký có trách nhiệm hoàn thành việc kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo quy định tại Chương II Nghị định số 91/2016/NĐ-CP và nộp kết quả kiểm nghiệm, khảo nghiệm để bổ sung vào hồ sơ cùng với phí thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành mới trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ghi trên công văn cho phép khảo nghiệm.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế thông báo bằng văn bản cho cơ sở đăng ký về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, không cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp số đăng ký lưu hành.

Theo đó, thủ tục này thông thường sẽ mất từ thời gian từ 3 tháng trở lên, tùy vào tiến độ khảo nghiệm và việc chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp thủ tục này có thể kéo dài hơn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang